Từ 1/4/2020, taxi công nghệ không bắt buộc phải gắn hộp đèn
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Cụ thể, Nghị định này quy định, từ 1/4/2020, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm.
Đặc biệt, cũng từ 1/4/2020, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương tại 3 tập đoàn, tổng công ty
Ngày 17/2/2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 20/2020/NĐ-CP về việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Theo đó, Nghị định 20 quy định về việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Đáng chú ý, từ 1/4/2020, mức lương cơ bản của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cao nhất là 70 triệu đồng/tháng; Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát là 60 triệu đồng/tháng; Kiểm soát viên là 50 triệu đồng/tháng.
Bổ sung một số quy định xử phạt VPHC về lao động, BHXH
Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ 15/4/2020 và bãi bỏ Nghị định 95/2013/NĐ-CP, Nghị định 88/2015/NĐ-CP. Theo đó, bổ sung một số quy định xử phạt hành chính về lao động, BHXH, đơn cử như:
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với 01 hành vi vi phạm kỷ luật lao động (điểm d khoản 3 Điều 18);
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm (điểm c khoản 2 Điều 28);
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm (điểm b khoản 2 Điều 29);...
Bãi bỏ một số quy định xử phạt VPHC trong kinh doanh BĐS
Theo Nghị định 21/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Cụ thể:
- Bãi bỏ điểm a khoản 1 Điều 60 Nghị định 139/2017/NĐ-CP: Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS (Sử dụng giảng viên không đủ tiêu chuẩn theo quy định).
- Bãi bỏ điểm a, điểm b khoản 1 Điều 61 Nghị định 139/2017/NĐ-CP: Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư (Thực hiện đào tạo không đúng địa điểm đào tạo theo quy định; Sử dụng giảng viên không đủ tiêu chuẩn theo quy định).
Đối với những hành vi nêu trên mà xảy ra trước ngày 01/4/2020 nhưng đã có quyết định xử phạt VPHC của người có thẩm quyền mà chưa thực hiện thì tiếp tục thực hiện theo quy định.
Trường hợp các hành vi vi phạm nêu trên đã bị lập biên bản VPHC hoặc được phát hiện sau ngày 01/4/2020 thì không xử phạt VPHC.
Nghị định 21/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2020.
Xử phạt vi phạm quy định báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ
Theo Nghị định 18/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ 1/4/2020 thì mức phạt tiền tương ứng đối với các hành vi vi phạm quy định báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ như sau (áp dụng đối với cá nhân):
- Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ khi có sự thay đổi người phụ trách kỹ thuật hoặc khi có sự thay đổi địa chỉ trụ sở chính.
- Phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ.
Hiện hành, phạt tiền 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chế độ báo cáo trong hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy định.
Người đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng phụ
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 28/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 25/12/2019 về hoạt động thẻ ngân hàng và có hiệu lực từ ngày 1/4/2020 tới đây.
Ngoài những đối tượng đang được sử dụng thẻ ngân hàng hiện nay, Thông tư còn bổ sung một số đối tượng mới như:
- Người từ đủ 15 đến 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự: Được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (thẻ phụ)
- Tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán: Được sử dụng thẻ ghi nợ (thẻ chính)
- Tổ chức là pháp nhân: Được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước (thẻ chính).
Tung tin giả lên Facebook có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/04/2020.
Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong 08 nhóm hành vi tại Khoản 1 Điều 101; đơn cử như:
- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Bên cạnh việc phạt tiền thì người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin vi phạm khỏi các trang mạng xã hội.
Quy định về bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông
Ngày 24/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Theo đó, tổ chức, cá nhân được phép khai thác hoặc kinh doanh cát, sỏi khi tập kết cát, sỏi lòng sông sau khai thác tại các bến, bãi phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi nằm trong phạm vi cảng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa
- Trường hợp bến, bãi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc liên quan đến đê điều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều.
- Phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung:
+ Địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi
+ Lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi.
Nghị định 23/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020.
Trả lương không đúng hạn, doanh nghiệp bị phạt đến 100 triệu đồng
Ngày 1/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP trước đó.
Đáng chú ý là quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền:
- Từ 5 đến 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 1 đến 10 người lao động
- Từ 10 đến 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 đến 50 người lao động
- Từ 20 đến 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 đến 100 người lao động
- Từ 30 đến 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 đến 300 người lao động
- Từ 40 đến 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên
Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.