Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3/2020

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3/2020
Cảnh sát giao thông "vòi tiền" người vi phạm bị buộc thôi việc; Đại diện Ban phụ huynh được vào hội đồng chọn sách giáo khoa; Người bán dâm hoàn lương được vay 20 triệu đồng... là một trong những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3 này.

Người bán dâm hoàn lương được vay 20 triệu đồng

Theo Vnexpress, có hiệu lực từ 1/3, quyết định 02/2020 của Thủ tướng tiếp tục việc thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy... tại 15 tỉnh, thành phố (Đắk Lắk; Hải Phòng; Thanh Hóa; TP HCM, Nghệ An, Điện Biên, Hà Nội, Bạc Liêu, Sơn La...) đến hết 31/12.

Theo quy định này, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy... được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo; lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.

Số tiền vay được dùng cho việc mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, đầu tư làm các nghề thủ công, góp vốn kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác...Nguồn vốn cho vay do Ngân sách Nhà nước cấp 50%, phần còn lại do Ngân hàng Chính sách huy động.

Từ năm 2021 trở đi, thông qua đánh giá kết quả đạt được của chủ trương trên, Chính phủ sẽ xem xét quyết định việc mở rộng, áp dụng trên phạm vi cả nước.

Đại diện Ban phụ huynh được vào hội đồng chọn sách giáo khoa

Thông tư 01/2020 của Bộ Giáo Dục & Đào tạo hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực từ ngày 15/3, lần đầu quy định các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông được phép lựa chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3/2020

Thông tư quy định đại diện ban cha mẹ học sinh được tham gia vào Hội đồng chọn sách giáo khoa. Hội đồng này của các trường gồm hiệu trưởng, hoặc hiệu phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học...

Thông tư cũng quy định, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là bốn tháng.

Cảnh sát giao thông "vòi tiền" người vi phạm bị buộc thôi việc

Theo báo Gia đình & Xã hội, buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính được đề cập tại Nghị định số 19 năm 2020 của Chính phủ.

Nghị định có hiệu lực từ 31/3/2020. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Theo đó, công chức, viên chức nói chung và nói riêng sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc nếu có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; Dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi bị xử lý vi phạm hành chính.

Hình thức kỷ luật này cũng được áp dụng với hành vi giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; Đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra…

Ở mức độ nhẹ hơn, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức hoặc cách chức.

Bằng đại học không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức

Thông tư 27 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 01/3/2020.

Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư này là quy định không ghi thông tin về hình thức đào tạo như chính quy hay tại chức hay vừa làm vừa học… trong nội dung chính của văn bằng như quy định cũ.

Nội dung này sẽ được ghi trên phụ lục và kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Như vậy, từ ngày 01/3/2020, trên văn bằng sẽ chỉ còn các nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng…

Trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Đây là nội dung chính của Nghị định 14/2020 do Chính phủ ban hành ngày 24/01/2020 và có hiệu lực từ ngày 15/3/2020.

Để được hưởng trợ cấp, giáo viên phải đáp ứng đủ 03 điều kiện:

- Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 05 năm trở lên;

- Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011.

- Đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 01/01/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Mức trợ cấp được quy thành tiền và tính theo công thức:

Số tiền trợ cấp = (Mức lương hưu tháng x 10%) x Số năm được tính trợ cấp

Trường hợp giáo viên đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được hưởng trợ cấp mà từ trần từ 01/01/2012 trở về sau thì vợ, chồng, bố, mẹ, hoặc con có thể làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Những người thân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được.

Muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt

Tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã có những quy định chi tiết về một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/3/2020.

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3/2020

Cụ thể:

- Phải biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam: Có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam;

- Phải đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú;

Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.

- Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trong trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch nước ngoài thì phải đáp ứng các điều kiện như:

- Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam;

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho Việt Nam và việc nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Việt Nam;

- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước đó;

- Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng…

Nghị định này được ban hành ngày 03/02/2020, có hiệu lực từ ngày 20/3/2020.

 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26480 sec| 658.102 kb