Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Truy tố 13 bị can liên quan đến vụ vận chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài

Truy tố 13 bị can liên quan đến vụ vận chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài
Từ năm 2016 đến năm 2020, vợ chồng bị can Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, Nguyễn Thị Nguyệt đã thu lời bất chính gần 30,5 tỷ đồng.

Công an nhân dân đưa tin, liên quan đến vụ án vận chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài, ngày 10/6, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng, truy tố 13 về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”.

Các bị can trong đường dây chuyển tiền bị truy tố gồm: Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985); Phạm Anh Tuấn (SN 1984); Nguyễn Văn Thắng (SN 1985); Nguyễn Thị Nga (SN 1988); Nguyễn Thị Hà (SN 1979); Nguyễn Văn Thực (SN 1979), Nguyễn Thị Thúy (SN 1974); Nguyễn Minh Khang (SN 1995); Phạm Việt Hùng (SN 1991), đều trú ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội; Phạm Hữu Thuật (SN 1981, ở Quảng Ninh), Nguyễn Văn Việt (SN 1998), Nguyễn Xuân Tươi (SN 1969, đều ở Hải Dương) và Phạm Hồng Hạo (SN 1967) trú ở Hà Nam.

Truy tố 13 bị can liên quan đến vụ vận chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài
Ảnh minh hoạ: Internet

Tiền Phong thông tin, theo cáo trạng, năm 2016, Nguyễn Thị Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Phạm Hữu Thuật (Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ XNK Đại Phát và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh thương mại và XNK Đại Phát) để hợp thức hoá pháp nhân rồi chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.

Tiếp đó, Thuật và Nguyệt thỏa thuận, giá từ 30-40 triệu đồng/bộ hồ sơ tạm nhập, tái xuất để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Sau đó, Nguyệt gửi thông tin công ty nhận tiền, mẫu dấu, chữ ký giám đốc công ty để hoàn thiện hợp đồng tạm nhập hàng hóa là IC điều khiển, làm thủ tục kê khai hải quan.

Thuật và Nguyệt cùng nhau góp tiền mua IC điều khiển của một người Trung Quốc có tên A Vỹ để có hàng hóa làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái rồi sau đó tái xuất sang Trung Quốc. Theo đó, A Vỹ chỉ định hàng hoá qua các cửa khẩu để chính đối tượng này nhận lại những kiện hàng rồi chuyển lại cho Thuật.

Cụ thể, Thuật mở 49 tờ khai tạm nhập tái xuất hàng hóa của Công ty Đầu tư kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu Đại Phát với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu là hơn 52,3 triệu USD, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là hơn 52,3 triệu USD. Sau đó, bị can sử dụng công ty này để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại 3 ngân hàng, chuyển số ngoại tệ ra nước ngoài tương ứng số tiền hơn 2.513 tỷ đồng.

Theo Tri thức trực tuyến, năm 2017 Nguyệt biết được thủ đoạn và cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên bàn với chồng là Phạm Anh Tuấn kế hoạch “làm ăn lớn”. Cáo trạng nêu vợ chồng Nguyệt mượn chứng minh nhân dân của những người thân trong gia đình để thành lập 8 công ty. Thực tế, các doanh nghiệp này không hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Mục đích Nguyệt và các bị can sử dụng để làm “bình phong” nhằm ký hợp đồng kinh tế khống, mua hàng hóa là IC thông minh của các công ty tại Singapore rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan.

Ngoài ra, để chuyển tiền dưới hình thức thanh toán quốc tế, Nguyệt cùng chồng liên hệ với các nhân viên MBBank, Sacombank và VPBank chi nhánh Móng Cái. Sau đó, các ngân hàng này hỗ trợ mở tài khoản, làm hồ sơ để giao dịch chuyển tiền.

Từ năm 2016 đến năm 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng bị can Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.

Cơ quan tố tụng cho rằng bằng những thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Nguyệt đã thu lời bất chính gần 30,5 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị can khai số tiền hưởng lợi đã được chi trả cho hoạt động của các công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37819 sec| 634.57 kb