Theo thống kê năm 2021, có khoảng 119.800 doanh nghiệp giải thể, tăng gần 20% so với năm 2020. Do đó, thị trường hiện nay đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp thực hiện hành vi giải thể doanh nghiệp bất hợp pháp để trốn tránh nghĩa vụ thanh toán khoản nợ. Việc giải thể doanh nghiệp khi chưa thanh toán các khoản nợ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chủ nợ của doanh nghiệp. Do vậy, câu hỏi đặt ra là mong muốn của chủ nợ thu hồi nợ đối với doanh nghiệp đã giải thể có khả thi hay không?
Qua bài viết này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật TNTP Quốc tế TNTP và các cộng sự sẽ đưa ra những góc nhìn pháp lý để trả lời cho câu hỏi: “Có thể thu hồi công nợ đối với doanh nghiệp đã giải thể hay không?”
Theo quan điểm của Luật sư Hà, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu điều kiện để giải thể doanh nghiệp hợp pháp. Khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp”.
Theo quy định trên, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài. Dù doanh nghiệp tự nguyện hay bắt buộc giải thể cũng phải đáp ứng điều kiện này mới được giải thể, nếu không doanh nghiệp sẽ không thể chấm dứt hoạt động bằng thủ tục giải thể. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã giải thể nhưng chưa đáp ứng các điều kiện trên, chưa thanh toán nợ, cố tình không kê khai các khoản nợ chưa thanh toán khi làm hồ sơ nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Như vậy, hồ sơ giải thể đó không đảm bảo tính trung thực và chính xác, đồng thời không có tính hợp pháp.
Căn cứ Khoản 3 Điều 210 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 2 điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết, số thuế chưa nộp, số nợ khác chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh”.
Theo đó, các thành viên của doanh nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm: “Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ liên đới giữa các bên: “Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”. Trong trường hợp này, những người quản lý đứng đầu của doanh nghiệp đã giải thể phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ.
Từ những căn cứ trên, có thể thấy rằng đối với khoản công nợ của doanh nghiệp đã giải thể, chủ nợ hoàn toàn có quyền thu hồi công nợ, cụ thể là đòi các cá nhân nắm giữ chức vụ quan trọng của doanh nghiệp đã giải thể được quy định tại Khoản 2 Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020 trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày doanh nghiệp đã giải thể nộp hồ sơ giải thể.
Trường hợp doanh nghiệp đã giải thể không thanh toán, chủ nợ có thể khởi kiện đến cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài ra, trong trường hợp xác định được doanh nghiệp đã giải thể nhưng vẫn còn khoản nợ chưa thanh toán thì bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể khiếu nại tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giải thể trái pháp luật của doanh nghiệp đã giải thể này.
Khi giao kết hợp đồng, Luật sư Hà cho biết, doanh nghiệp thường quan tâm đến tình hình tài chính, nắm bắt được địa điểm kinh doanh, hoạt động cũng như thông tin về người đại diện theo pháp luật mà không để ý đến thông tin của những người có vai trò quan trọng của đối tác, những người được quy định tại Khoản 2 Điều 210 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Do đó, khi đối tác giải thể, doanh nghiệp rất khó liên hệ với những người này nhằm yêu cầu thanh toán khoản nợ trong trường hợp doanh nghiệp đã giải thể nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.
“Với sự gia tăng các vụ giải thể doanh nghiệp trong những năm gần đây và qua những vụ việc Công ty Luật TNTP đã thực hiện tư vấn và thực hiện thu hồi công nợ đối với các doanh nghiệp đã giải thể, Luật sư Hà cũng lưu ý rằng khi doanh nghiệp xác lập và thực hiện giao dịch với bất kỳ đối tác nào, cần cố gắng thu thập thêm thông tin cá nhân, địa chỉ của những người quản lý đứng đầu doanh nghiệp ngoài người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể kiểm tra thông tin về đối tác tại báo cáo điện tử trên trang Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa rủi ro, tránh trường hợp đối tác giải thể, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình”. – Luật sư Hà cho hay.