Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Con vay tiền chơi cá độ bóng đá World Cup 2022, cha mẹ có phải trả nợ không?

Con vay tiền chơi cá độ bóng đá World Cup 2022, cha mẹ có phải trả nợ không?
Con vay tiền chơi cá độ bóng đá World Cup 2022, cha mẹ có phải trả nợ không? Đây là câu hỏi được nhiều người thắc mắc.

Hợp đồng vay tài sản

Căn cứ theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản được định nghĩa như sau:

"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Như vậy, các cá nhân có đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự thì sẽ có điều kiện thực hiện giao dịch dân sự nói trên, mà cụ thể ở đây là vay tiền từ người khác.

Năng lực pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015: "Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.”

Còn năng lực hành vi dân sự được quy định tại Điều 19: "Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Như vậy, khi con cái có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và hành vi dân sự thì có thể xác lập giao dịch vay tiền. Tuy nhiên, cha mẹ có chịu trách nhiệm về khoản nợ của con hay không còn tùy thuộc vào mức độ năng lực hành vi của đứa con, chi tiết cụ thể sẽ được trình bày ngay sau đây.

Con vay tiền chơi cá độ bóng đá World Cup 2022, cha mẹ có phải trả nợ không?
Ảnh minh họa.

Đối tượng chịu trách nhiệm trả nợ

Theo Điều 20 và Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, tùy thuộc vào mức độ năng lực hành vi của con để xác định xem con có thể tự mình xác lập giao dịch dân sự không.

Người chưa đủ 6 tuổi: Các giao dịch dân sự của người chưa đủ 06 tuổi do người đại diện của người đó xác lập, thực hiện.

Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi: Được tự thực hiện các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Các giao dịch khác, chỉ được xác lập, thực hiện nếu người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: Được tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Riêng các giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch khác theo quy định phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Người từ đủ 18 tuổi trở lên: Đây là người có hành vi dân sự đầy đủ, được tự mình xác lập và thực hiện mọi giao dịch dân sự.

Riêng đối với trường hợp, người mất năng lực hành vi dân sự; người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hay hạn chế năng lực hành vi dân sự thì giao dịch dân sự của người này sẽ do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện, trừ giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Kết luận: Con đã đủ 15 tuổi trở lên vay tiền thì cha mẹ không có nghĩa vụ phải trả nợ thay, nghĩa vụ này thuộc về người con, trừ khi cha mẹ tự nguyện trả nợ thay cho con. Còn nếu con chưa đủ 15 tuổi hay rơi vào các trường hợp mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hay khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, các giao dịch đều phải do cha mẹ (người đại diện theo pháp luật) xác lập, thực hiện hoặc được sự đồng ý của cha mẹ.

Theo Đời sống và Pháp luật

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37306 sec| 642.258 kb