Theo quy định pháp luật về sử dụng một phần hè phố để tổ chức đám cưới Theo Điều 25a Nghị định số 100/2013/NĐ-CP thì hè phố sẽ được sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình.
Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ. Để thực hiện cho mục đích này, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng hè phố phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố.
Đồng thời, tại Điều 25b của Nghị định này cũng quy định lòng đường chỉ được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong 02 trường hợp sau:
Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;
Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; thời gian sử dụng từ 22h đêm ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.
Như vậy, người dân chỉ có thể xin tạm thời dùng hè phố để tổ chức đám cưới, trông giữ, xe đám cưới trong thời hạn không quá 48 giờ và phải có nghĩa vụ báo trước cho UBND cấp phường, xã trước khi tạm thời sử dụng. Đồng thời, pháp luật cũng quy định người dân không được dựng rạp cưới dưới lòng đường.
Nếu đã không được cho phép mà người dân vẫn sử dụng lòng đường để dựng rạp đám cưới được xem là dựng rạp trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định được áp dụng tại điểm a khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi điểm s khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021): Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, đồng thời bắt buộc phải phá dỡ, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Mức phạt này dành cho cá nhân vi phạm, nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt là 4 triệu đến 6 triệu đồng.
Nếu xảy ra tai nạn gây tổn hại sức khỏe, tài sản của người khác, gia chủ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định.
Theo Đời sống và pháp luật