Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đi làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 - 1/5, tiền lương được tính thế nào?

Đi làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 - 1/5, tiền lương được tính thế nào?
Người lao động đi làm vào dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4 và 1/5 được xem là làm thêm giờ vào ngày lễ và được trả mức lương tăng thêm theo quy định tại Luật Lao động 2019.

Người lao động sẽ có hai dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương kéo dài 3 ngày và nghỉ lễ Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5 kéo dài 4 ngày.

Năm nay, ngày nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) là Chủ nhật ngày 10/4, trùng vào ngày nghỉ hàng tuần. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động sẽ được nghỉ bù vào thứ Hai ngày 11/4/2022. Như vậy, nếu tính cả ngày nghỉ hàng tuần thứ Bảy, Chủ Nhật thì dịp nghỉ này sẽ kéo dài 3 ngày từ 9/4-11/4.

Đi làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 - 1/5, tiền lương được tính thế nào?
Ảnh minh họa.

Tới cuối tháng Tư, người lao động sẽ tiếp tục được nghỉ lễ Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5. Do 2 ngày nghỉ lễ trên cũng trùng vào ngày nghỉ hàng tuần là thứ Bảy và Chủ nhật nên người lao động cũng được nghỉ bù 2 ngày liền kề tiếp theo, tức là ngày 2-3/5. Như vậy, dịp nghỉ lễ này có 4 ngày liên tục, gồm 2 nghỉ lễ và 2 ngày nghỉ cuối tuần kéo dài từ 30/4-3/5.

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5 là những ngày nghỉ lễ, Tết và người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương. Nếu doanh nghiệp doanh nghiệp thỏa thuận và bố trí người lao động đi làm vào dịp nghỉ lễ này sẽ phải trả lương ít nhất bằng 200% vào ngày nghỉ hằng tuần và ít nhất bằng 300% vào ngày nghỉ lễ, Tết.

Cách tính tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết thực hiện theo quy định tại Điều 55, Điều 57 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.

Cục Quan hệ lao động và tiền lương hướng dẫn cách tính với một ví dụ cụ thể như sau:

Người lao động A được áp dụng hình thức trả lương theo tháng. Trong tháng 4/2022 người lao động A làm việc thực tế 208 giờ và có tổng tiền lương thực trả là 10 triệu đồng (đã loại trừ một số khoản tiền theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP). Tương ứng, tiền lương giờ thực trả cho mỗi giờ làm việc với lao động A là 10 triệu đồng/208 giờ = 48.000 đồng/giờ.

Vậy nếu người này làm việc từ 6h - 12h vào ngày 30/4 thì tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày được tính ít nhất = 48.000 đồng x 300% x 6 giờ làm thêm = 864.000 đồng.

Nếu người này làm việc từ 0h - 6h vào ngày 30/4 thì tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính ít nhất = [(48.000 đồng x 300%) + (48.000 đồng x 30%) + (20% x 48.000 x 300%)] x 6 giờ làm thêm = 48.000 x 390% x 6 giờ làm thêm = 1.123.200 đồng.

(Ghi chú: các tỷ lệ 300%, 20% là mức tối thiểu)

Theo Đời sống & Pháp luật

Link nguồn: https://www.doisongphapluat.com/di-lam-ngay-gio-to-hung-vuong-le-30-4-1-5-tien-luong-duoc-tinh-the-nao-a532782.html

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37333 sec| 634.539 kb