Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Người giả danh công an gọi điện lừa đảo qua điện thoại sẽ phải chịu mức phạt như thế nào?

Người giả danh công an gọi điện lừa đảo qua điện thoại sẽ phải chịu mức phạt như thế nào?
Lợi dụng sự cả tin của một bộ phận người dân, nhóm tội phạm công nghệ cao liên tục thay đổi các chiêu trò, trong nhiều tháng trở lại đây có nhiều đối tượng đã giả danh cán bộ Công an lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền thông qua mạng viễn thông, mạng điện thoại. Vậy hành vi của những đối tượng lừa đảo trên sẽ bị xử phạt như thế nào?

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng giả danh làm CSGT thông báo rằng phương tiện của các nạn nhân bị “phạt nguội”, tiếp đó là sử dụng chiêu trò lấy thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng,… nhằm chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của các nạn nhân. Mặc dù những hành vi này đã được các cơ quan chức năng phản ánh và cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn không ít người bị sập bẫy. Đa phần họ đều là những người không thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Ngày 8/8, một bạn trẻ tên H. (trú tại Hà Nội) đã nhận được cuộc gọi từ đầu số lạ 868312… có giọng nói tự động, xưng là CSGT và thông báo H. bị “phạt nguội” vì vi phạm luật giao thông. Người này yêu cầu H. bấm phím 9 để được hỗ trợ. Tuy nhiên, do đã nghe nhiều thông tin về việc lừa đảo qua nên H. cảnh giác và tắt máy. Sau đó, H. thực hiện tra cứu thông tin vi phạm giao thông qua hình ảnh nhưng không thấy bất cứ thông tin nào về lệnh phạt.

Người giả danh công an gọi điện lừa đảo qua điện thoại sẽ phải chịu mức phạt như thế nào?
Liên tiếp xảy ra những vụ việc giả danh cán bộ Công an gọi điện lừa đảo. Ảnh: Thanh Niên.

Trước đó, báo Kinh tế & Đô thị đưa tin, anh Nguyễn Bá Hồng (Gia Lâm, Hà Nội) có nhận được cuộc gọi của một số máy lạ thông báo anh có lỗi vi phạm khi tham gia giao thông ở Hải Phòng. Đối tượng tự xưng là tổng đài viên của CSGT và đề nghị anh cung cấp số biên bản. Do trùng hợp vừa đi công tác ở Hải Phòng về nên anh Hồng cũng khá tin tưởng vào cuộc gọi đó. Nhưng khi nói không có biên bản thì các đối tượng yêu cầu cung cấp cho họ tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, số tài khoản ngân hàng… để gửi số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt. Sau đó, khi đối tượng yêu cầu nộp tiền vào tài khoản thì anh Hồng nhận ra đây là một chiêu thức lừa đảo.

Thông tin từ An ninh Thủ đô, chị N.B (trú tại Hà Nội) cho biết có nhận được điện thoại từ một người xưng là Dương Gia Bảo, công tác tại Cục quản lý Giao thông đường bộ số 3, nói về việc chị có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông tại Đà Nẵng vào ngày 23/7. Đối tượng đọc đúng thông tin cá nhân của chị B. bao gồm: Số CMND, ngày tháng năm sinh. Chị B. vẫn khẳng định bản thân không hề có mặt ở Đà Nẵng vào ngày 23/7 vì chị đang ở Hà Nội. Song, đối tượng tiếp tục thông báo có thể chị đã bị lợi dụng thông tin cá nhân để thuê xe và yêu cầu chị B. vào Đà Nẵng phối hợp điều tra. Nếu không vào được, đối tượng sẽ giúp làm hồ sơ báo án online. Người này yêu cầu chị B. khai báo thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, chị phải chứng minh không có ai ở bên cạnh bằng cách gọi video, còn phía họ chỉ để lộ phần ngực với chiếc áo quân phục của ngành công an. Sau đó, đối tượng thông báo một tài khoản ngân hàng BIDV được lập từ mã số căn cước công dân của chị liên quan đến một đối tượng buôn bán ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản mấy chục tỷ đồng. Vì chị B. có liên quan nên sẽ có lệnh triệu tập bắt tạm giam. Đối tượng xấu luôn yêu cầu chị B. phải giữ bí mật, không được tiết lộ với ai. Người này bắt đầu tra hỏi chị B: Dùng những tài khoản nào? Lần giao dịch tiền nhiều mất là bao nhiêu? Trong tài khoản còn bao nhiêu tiền?… Thấy điểm bất thường, chị B. nói sẽ đến trực tiếp cơ quan Công an TP.Đà Nẵng để làm rõ vấn đề. Đến lúc này, đối tượng giả vờ mạng yếu rồi tắt máy.

Tiếp đó, ngày 3/8, Công an phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình tiếp nhận đơn trình báo của chị H. (41 tuổi; trú tại Ba Đình, Hà Nội) về việc nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an TP.HCM. Đối tượng thông báo chị H. có liên quan đến một vụ án và yêu cầu chị tải phần mềm, đăng nhập tài khoản để chứng minh mình không liên quan. Sau đó, chị H. phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị mất gần 1,4 tỷ đồng. Lúc này chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Văn phòng Luật sư X - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Theo quy định Luật Giao thông đường bộ, Luật xử lý vi phạm hành chính, Thông tư 06/2017/TT-BCA và Thông tư 65/2020/TT-BCA thì CSGT không được gọi điện, nhắn tin thông báo phạt nguội. Việc xử phạt phải thực hiện theo đúng quy định, trình tự, thủ tục pháp luật. Đối với trường hợp vi phạm giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì CSGT phải gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định”. 

Cũng theo Luật sư Nghĩa, đối với hành vi giả danh, tự xưng là CSGT gọi điện để yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt tài sản được quy vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Người giả danh công an gọi điện lừa đảo qua điện thoại sẽ phải chịu mức phạt như thế nào?
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc Văn phòng Luật sư X.

Liên quan đến hành vi sử dụng mạng , mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của tội phạm công nghệ cao, Giám đốc Văn phòng Luật sư X thông tin: “Những đối tượng này có thể sẽ bị truy tố theo điều 290 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với khung hình phạt cao nhất là phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng và phạt tù lên tới 20 năm”. Ngoài ra, hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác cũng có thể bị truy tố theo Điều 289 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và đối mặt với mức án 12 năm tù.

Điều 290 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản:
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Điều 289 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác:
1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, ;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin. 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24985 sec| 678.859 kb