Nhiều người cho rằng hoạt động đánh bài ăn tiền chỉ là việc vui vẻ trong gia đình bạn bè dịp Tết, việc cược tiền chỉ tăng tính hấp dẫn và không liên quan đến pháp luật.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc bao gồm: Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Tùy vào mức độ vi phạm, người đánh bạc trái phép sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu chơi đánh bài giải trí nhưng lại có tính chất được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 5 triệu đồng trở xuống thì sẽ bị xử lý hành chính.
Cụ thể, phạt tiền 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi đánh bạc bằng hình thức như xóc đĩa, tá lả, tú lơ khơ, cào ba lá, tứ sắc, tiến lên… hoặc hình thức khác với mục đích thắng thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.
Phạt tiền 2 - 5 triệu đồng với hành vi như nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại nơi đánh bạc, giúp sức che giấu việc đánh bạc trái phép.
Phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác đánh bạc trái phép, dùng nhà, chỗ ở, phương tiện hoặc địa điểm khác để chứa bạc.
Ngoài ra, nếu đánh bài mà hội đủ cấu thành tội phạm đối với tội Đánh bạc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, chưa được xóa án tích còn vi phạm thì bị phạt tiền 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp có tính chất chuyên nghiệp, tiền, hiện vật có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, có thể bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt 10 - 50 triệu đồng.
Người tổ chức đánh bạc vào dịp Tết bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nào?
Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Theo đó, người tổ chức đánh bạc vào dịp Tết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp sau đây:
Khung hình phạt 1: Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên.
Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên.
Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 1 lần trị giá 20 triệu đồng trở lên.
Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc.
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khung hình phạt 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, việc đánh bài cho vui tại nhà dịp Tết có ăn tiền thì dù chỉ vài nghìn đồng cũng được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ khi đánh bạc giải trí hoàn toàn, không có mục đích ăn thua thì mới không bị phạt.
Để có một cái Tết vui và an toàn, người dân không nên đánh bài ăn tiền dưới mọi hình thức, dù chỉ để cho vui cũng là hành vi vi phạm pháp luật.