Theo báo Người Lao Động, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, người dân bước vào mùa lễ hội xuân. Phục vụ cho nhu cầu này, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thời vụ cũng nở rộ.
Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) cho biết những ngày này, du khách thập phương đến các lễ hội, khu di tích, đền, chùa… tăng cao kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống tăng theo.
Do đó, nguy cơ mất an toàn thực phẩm và xảy ra sự cố an toàn thực phẩm có thể xảy ra ở tất cả các khâu của chuỗi thực phẩm và ở tất cả các địa bàn, đặc biệt là tại những nơi có tổ chức lễ hội lớn, tập trung nhiều người tham gia.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các nghị định hướng dẫn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Trường hợp vi phạm, các cơ sở hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin, theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Nghị định số 115-2018 (đã được bổ sung) quy định, phạt tiền từ 1 lần đến 2 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau:
Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.
Khi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, cụ thể ở các hành vi: Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh;
Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến;
Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; bán thực phẩm chín không đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, thức ăn ngay.
Không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn.
Các vi phạm nói trên sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng/hành vi. Mức phạt này quy định cho cá nhân, đối với tổ chức, mức phạt gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Cũng theo nghị định này, các hành vi sau đây sẽ bị áp mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng/hành vi: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm; cống rãnh thoát nước thải khu vực cửa hàng, nhà bếp bị ứ đọng; không được che kín; không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
Mức phạt nói trên quy định cho cá nhân, đối với tổ chức, mức phạt tiền tăng gấp 2 lần.
Theo Đời sống và Pháp luật