Hiện nay, Công an quận Phú Nhuận (TP.HCM) đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM lấy lời khai của Nguyễn Anh Khoa (30 tuổi) để điều tra về cái chết của ông N.V.B 72 tuổi là cha ruột của Khoa.
Trước đó, trưa 7/6, người dân tại một con hẻm trên đường Thích Quảng Đức (phường 5, quận Phú Nhuận) nghi ông B. tử vong tại nhà riêng nên gọi báo Công an. Lực lượng chức năng địa phương đã đến kiểm tra căn nhà trên. Khi phá khóa vào bên trong nhà mọi người phát hiện ông B. đã chết, trên cơ thể có nhiều vết thương.
Ngay sau khi phát hiện ông B. tử vong, Công an quận Phú Nhuận đã phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM khám nghiệm hiện trường. Sau đó đã bắt giữ nghi phạm Khoa khi người này đang bỏ trốn.
Trong thời gian sống chung nhà với cha là ông N.V.B. tại căn nhà trong hẻm 86 đường Thích Quảng Đức (phường 5, quận Phú Nhuận), hai cha con thường phát sinh mâu thuẫn. Theo lời khai của Khoa trước cơ quan Công an, trước khi ông B. tử vong, Khoa đã giam lỏng cha trong khoảng 10 ngày. Cụ thể, vào ngày 27/5, Khoa xin tiền nhưng ông B. không cho nên hai người xảy ra cãi vã, Khoa bắt đầu giam lỏng cha mình trong nhà và đánh đập cha cho đến chết. Sau khi bị bắt, cơ quan Công an đã test nhanh và thấy kết quả xét nghiệm xác định Khoa dương tính với ma túy.
Trước hành động dã man của kẻ thủ ác ra tay tàn độc với chính cha ruột của mình, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa đến từ văn phòng Luật sư X, thuộc đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: “Theo như kết quả xác minh và với lời khai ban đầu của nghi phạm thì cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự để tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Nếu như trong quá trình điều tra vụ việc trên là đúng, khi kẻ thủ ác là người con đã vì tiền mà nhốt, hành hạ cha mình suốt 10 ngày dẫn đến tử vong thì nghi phạm sẽ bị xử lý về tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng như hành vi có tính chất côn đồ, hoặc là vì động cơ đê hèn và phạm tội với người mà mình có nghĩa vụ phải chăm sóc nuôi dưỡng thì có thể phạt tù lên tới 20 năm hoặc với khung hình phạt cao nhất là bị tử hình”.
Ngoài ra, trong vụ việc này, trường hợp tên nghịch tử này đã sát hại cha đẻ của mình để lấy tiền vì sau khi phát hiện cha chết, hắn cố tình che dấu tội phạm và đã lấy đi hết tiền vàng tài sản trị giá hơn 200 triệu đồng, lúc này cơ quan điều tra có thể sẽ tiếp tục khởi tố vụ án hình sự về tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự với mức phạt nặng nhất là 20 năm tù. Như vậy, nếu bị khởi tố với 2 tội danh đặc biệt nghiêm trọng và có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như nghi phạm có thể sẽ phải chịu mức án cao nhất.
Nếu xét trong phạm vi đạo đức, nhiều bạn đọc cho rằng, hành vi giam giữ nhiều ngày sau đó giết hại cha đẻ của mình là hành vi phi nhân tính. Trong vụ việc này, nghịch tử sau khi xin tiền không được thay vì ngồi nói chuyện với cha mình mà đã chọn cách xử lý là hành hạ và giết cha ruột khi trước đó cả hai cũng vướng phải những mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình. Mặc dù nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, cũng có nhiều lý do được đưa ra phân tích, nhưng xét về góc độ hành vi đơn thuần thì hành vi này là không thể chấp nhận được, dù bất cứ lý do nào cũng cần phải có hình phạt cao nhất nhằm răn đe, bài học cảnh tỉnh đến nhiều lớp trẻ nên suy nghĩ thật kỹ trước những hành động của mình.
Điều 123 BLHS năm 2015 quy định các khung hình phạt sau đây:
Khung 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi. Căn cứ để xác định tuổi nạn nhân là giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân;
c) Giết phụ nữ mà biết có thai: nạn nhân bị giết là người đang có thai mà người phạm tội đã biết rõ điều đó (có thể tự nhận biết hoặc nghe thông tin từ người khác). Nếu nạn nhân là người tình của người phạm tội và việc giết người đó nhằm mục đích chối bỏ trách nhiệm của y đối với nạn nhân thì thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn; nếu giết người phụ nữ mà không biết rõ là có thai nhưng thực tế nạn nhân là người có thai thì phải chịu trách nhiệm về tình tiết tăng nặng TNHS “phạm tội đối với phụ nữ có thai” (điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015);
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân:
Giết người đang thi hành công vụ là trường hợp giết người mà nạn nhân là người đang thi hành nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội giao cho vì lợi ích chung của Nhà nước, xã hội như: thầy giáo đang giảng bài hoặc coi thi, cán bộ Thuế đang thu thuế, cán bộ Kiểm lâm đang bảo vệ rừng…
Giết người vì lý do công vụ của nạn nhân thể hiện nhiệm vụ mà nạn nhân được giao có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội, nên thủ phạm đã chủ động giết nạn nhân, có thể hành vi phạm tội xảy ra trước hoặc sau khi thực thi công vụ. Người phạm tội với động cơ có thể nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ, hoặc có thể là để trả thù nạn nhân vò nạn nhân đã thi hành công vụ đó;
e) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình:
– Ông, bà gồm ông bà nội (người sinh ra bố của thủ phạm), ông, bà ngoại (người sinh ra mẹ của thủ phạm);
– Cha, mẹ được hiểu là cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi. Cha, mẹ đẻ là người đã sinh ra người phạm tội. Cha, mẹ nuôi là người nhận người phạm tội làm con nuôi được pháp luật thừa nhận;
– Người nuôi dưỡng là người chăm sóc, quản lý, giáo dục người phạm tội như vai trò của bố mẹ mình;
– Thầy giáo, cô giáo của mình là người trực tiếp giảng dạy mình về văn hóa, chuyên môn, nghề nghiệp.