Theo Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền đối với hành vi cho mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hợp đồng cho mượn hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn) theo các mức sau:
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng. Trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ôtô sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng.
Nghị định nêu rõ tổ chức có hành vi vi phạm quy định trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn trả lại tài sản cho mượn.
Trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu thì phải trả bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu. Tổ chức vi phạm còn bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với số tiền thuê tài sản trong thời gian cho mượn.
Ngoài ra, hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, sử dụng trụ ở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ôtô vào mục đích cá nhân... sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng, tùy từng trường hợp. Trong đó, nếu giao, sử dụng xe ôtô vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt 20 triệu đồng.
Theo nghị định, hình thức xử phạt chính quy định tại nghị định này bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Còn trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.