Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Từ những vụ bắt cóc trẻ tại bệnh viện: Hành vi chiếm đoạt, mua bán trẻ em bị xử phạt như thế nào?

Từ những vụ bắt cóc trẻ tại bệnh viện: Hành vi chiếm đoạt, mua bán trẻ em bị xử phạt như thế nào?
Những năm gần đây, các vụ việc “mẹ mìn” trà trộn vào bệnh viện, lợi dụng sơ hở của nhân viên y tế và người nhà sản phụ để bắt cóc trẻ em xảy ra không ít, gây tâm lý hoang mang cho nhiều người. Vậy những hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Tình trạng bắt cóc trẻ em trong những năm gần đây xảy ra liên tiếp với những hành vi ngày càng táo tợn của các đối tượng. Chính điều này đã gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhiều người, đặc biệt là các sản phụ vì thủ phạm sẵn sàng hành động ngay tại bệnh viện.

Giả danh nhân viên y tế bắt cóc trẻ sơ sinh tại Chương Mỹ (Hà Nội)

Báo Công lý cho biết, ngày 21/8/2022, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thông tin về một vụ việc bắt cóc trẻ em xảy ra tại Đa khoa huyện Chương Mỹ. Theo đó, Nguyễn Thị Tuyến (SN 1989, trú tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) đang làm công nhân tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Thời gian gần đây, do cả tin nên Tuyến đã mắc bẫy kẻ lừa đảo trên mạng, bị chiếm đoạt số tiền hơn 10 triệu đồng. Trong lúc túng quẫn, Tuyến biết được nguyện vọng của một đồng nghiệp muốn tìm trẻ sơ sinh để nhận làm con nuôi, nên Tuyến nảy sinh ý định muốn "giúp đỡ để được cảm ơn bằng tiền".

Từ những vụ bắt cóc trẻ tại bệnh viện: Hành vi chiếm đoạt, mua bán trẻ em bị xử phạt như thế nào?
Đối tượng Nguyễn Thị Tuyến. Ảnh: Người lao động.

Khoảng 20h ngày 19/8, Tuyến tìm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, cách chỗ làm khoảng 2km, mặc đồng phục nhân viên bệnh viện rồi lẻn vào khoa sản để tìm đối tượng. Thời điểm này là khoảng thời gian được phép vào thăm trẻ nên Tuyến dễ dàng di chuyển, quan sát và tìm được 1 bé sơ sinh mới chào đời hôm 18/8. Tuyến vờ thăm khám rồi nói cháu bé có dấu hiệu bị vàng da, phải đưa đi kiểm tra. Bà của cháu bé đã đi theo khiến Tuyến lúng túng và đi lung tung. Đúng lúc này, Tuyến bị 1 bác sĩ của bệnh viện phát hiện, giữ lại do có biểu hiện nghi vấn, mặc trang phục của nhân viên y tế không có logo bệnh viện và hoàn toàn lạ mặt. Sự việc ngay sau đó được trình báo đến cơ quan Công an.

Giả mạo bác sĩ bắt cóc trẻ em tại Bệnh viện Phụ sản trung ương

Thông tin từ Tuổi trẻ Online, ngày 3/11/2011, tại Bệnh viện Phụ sản trung ương đã xảy ra vụ bắt cóc trẻ em, thủ phạm là Nguyễn Thị Lệ (trú tại Việt Yên, Bắc Giang). Lệ đã bắt cóc cháu Phạm Văn Trường, con của chị Trần Thị Thơm (trú tại Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Từ cuối tháng 10/2011, Lệ đã nhiều lần đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản trung ương quan sát, tìm sơ hở nhằm mục đích bắt một bé trai.

Từ những vụ bắt cóc trẻ tại bệnh viện: Hành vi chiếm đoạt, mua bán trẻ em bị xử phạt như thế nào?
Đối tượng Nguyễn Thị Lệ tại . Ảnh: Tiền Phong.

Ngày 3/11/2011, Lệ đi xe ôm đến Bệnh viện Phụ sản trung ương, đóng giả làm bác sĩ. Khi đi bộ từ tầng 1 lên đến tầng 6 là nơi sản phụ Trần Thị Thơm nằm, Lệ đánh lạc hướng mọi người bằng cách hỏi thăm sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Mai về em bé nằm ở giường đối diện. Khi biết cháu bé nhà chị Thơm là con trai, Lệ hỏi cháu bé đã tắm, xét nghiệm và tiêm chưa thì chị Thơm cho biết đã tắm rồi nhưng chưa tiêm, Lệ bảo để mình bế đi Tiêm. Sau đó, Lệ bắt taxi cùng cháu bé về nhà bố mẹ đẻ tại Bắc Giang, nói dối gia đình là xin được cháu bé của một sinh viên. Đến ngày 5/11, Lệ bàn với gia đình và được đồng ý đưa cháu bé về nhà chồng, nói đó là con do Lệ đẻ ra.

Lệ khai nhận do bản thân nhưng đang ở nhà mẹ đẻ vì mâu thuẫn với nhà chồng. Khi Lệ sinh con, không may cháu bé đã mất nên đối tượng đã nghĩ ra việc bắt cóc trẻ sơ sinh nhằm mục đích giả làm con mình nhằm quay trở lại nhà chồng.

Triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh từ nghi vấn trong lời khai của “mẹ mìn”

Theo Dân trí, chiều 8/1/2014, Lê Thị Bích Trâm (ngụ quận 7, TP.HCM) đã trà trộn vào k sản của Bệnh viện quận 7 (TP.HCM) để tìm cơ hội bắt cóc trẻ sơ sinh. Đến sáng 9/1/2014, Trâm đã ra tay bắt cóc cháu bé Trương Minh Hoài rồi thuê nhiều cuốc xe ôm để về nhà chồng ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. 

Tại cơ quan công an, bước đầu Trâm khai do bị sảy thai, sợ chồng bỏ nên đã tìm cách bắt bé Hoài về nói là con do mình sinh để được gia đình chồng yêu thương. Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau khi bị bắt giữ, nhiều nghi vấn trong lời khai của Trâm được Công an quận 7 làm rõ, Trâm thừa nhận bắt cóc bé trai với ý định đem bán lấy tiền cho chồng trả nợ.

Từ những vụ bắt cóc trẻ tại bệnh viện: Hành vi chiếm đoạt, mua bán trẻ em bị xử phạt như thế nào?
Đối tượng nằm trong đường dây mua bán trẻ em - Lê Thị Bích Trâm. Ảnh: Dân trí.

Mở rộng điều tra, cảnh sát phát hiện đường dây mua bán trẻ em lớn do cặp vợ chồng Ngô Thị Lan (44 tuổi) và Tưởng Đình Thương (35 tuổi, trú tại Hải Phòng) cầm đầu. Các trinh sát đã bắt giữ tổng cộng 7 đối tượng liên quan đến đường dây này. 

Có thể thấy rằng tội phạm bắt cóc, mua bán trẻ em ngày càng hành động táo tợn với thủ đoạn hết sức tinh vi, bất chấp những nơi đông người. Lợi dụng kẽ hở trong và sự chủ quan của người nhà các bé, chúng ra tay rất nhanh gọn. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về những hành vi chiếm đoạt và mua bán trẻ em? Trả lời câu hỏi của PV, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa đến từ Văn phòng Luật sư X cho biết: “Theo quy định tại Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Chiếm đoạt trẻ em là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó. Trong các vụ bắt cóc trẻ em, các đối tượng đều nhằm mục đích trục lợi cho bản thân. Tuy nhiên, khi chưa có các "giao dịch" về chuyển giao trẻ nhỏ, chiếu theo Điều 153 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, các đối tượng có thể bị truy cứu về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi với mức phạt là 7 năm tù, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.

Từ những vụ bắt cóc trẻ tại bệnh viện: Hành vi chiếm đoạt, mua bán trẻ em bị xử phạt như thế nào?
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Văn phòng Luật sư X.

Liên quan đến những hành vi mua bán trẻ em, Luật sư Nghĩa thông tin thêm: “Theo quy định tại Điều 151 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội mua bán người dưới 16 tuổi: Người nào chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm. Đồng thời người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng”.

Điều 151 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tội mua bán người dưới 16 tuổi:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 153 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin. 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24617 sec| 678.859 kb