Ngày 3/7, mạng xã hội lan truyền một đoạn video ghi lại cảnh một cụ ông đang nằm khóc ròng trên ruộng dưa hấu bị vỡ nát. Vụ việc đã gây ra một làn sóng trong dư luận, phần lớn mọi người đều cảm thấy bất bình với hành vi của thủ phạm và hết sức thương cảm cho cụ ông khi ruộng dưa đang sắp đến ngày thu hoạch chỉ trong một đêm đã bị phá nát.
Được biết, ruộng dưa thuộc sở hữu của gia đình ông Phan Văn Tôn (70 tuổi, trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Sáng ngày 4/7, ông Phan Văn Tôn đã trình báo với xã về việc ruộng dưa hấu bị kẻ xấu phá hoại. Cụ ông trình bày, kẻ xấu đã phá nát hàng trăm quả dưa hấu chuẩn bị thu hoạch với khối lượng khoảng 250kg.
Gia đình ông Tôn thuộc hộ cận nghèo, kinh tế của hai vợ chồng phụ thuộc chủ yếu vào trồng lúa và hoa màu. Ruộng dưa cũng là thành quả sau nhiều tháng vất vả chăm bón. Hàng ngày, vợ chồng ông sống rất hòa thuận với xóm làng, ít khi gây mâu thuẫn với ai nên khi sự việc trên xảy ra đã khiến nhiều người bất ngờ.
Sáng 5/7, Công an tỉnh Nghệ An thông tin chính thức về việc Công an huyện Diễn Châu đã điều tra và bắt giữ 5 đối tượng liên quan đến vụ việc trên. Các đối tượng được xác nhận là Chu Văn Cường (SN 2002); Chu Minh Nam (SN 2004); Nguyễn Trọng Tấn (SN 2005); Nguyễn Đức Phong (SN 2004) và Lê Trung Huấn (SN 2004), cùng trú tại xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Quá trình điều tra, 5 đối tượng khai nhận, trưa ngày 2/7, các đối tượng đã trộm dưa hấu tại ruộng dưa của gia đình ông Phan Văn Tôn. Hành vi của nhóm đối tượng đã bị người dân xung quanh đó phát hiện và nhắc nhở. Nhưng thay vì ăn năn hối cải, các đối tượng lại tỏ thái độ bực tức.
Đến trưa ngày 3/7, sau khi đi uống rượu trở về, các đối tượng quay lại ruộng dưa hấu của gia đình ông Tôn và thực hiện hành vi trả thù bằng cách hái những quả dưa lớn và đập, dẫm nát toàn bộ những quả dưa sắp tới kỳ thu hoạch.
Sáng 6/7, ông Phan Văn Tôn cho biết, vợ chồng ông không biết chữ nên nhờ người viết đơn xin tha cho các cháu, để các cháu thi tốt nghiệp THPT. “Tôi chỉ mong nhận được lời xin lỗi từ gia đình các cháu, ở đời ai chẳng có lúc mắc sai lầm”, ông Tôn bộc bạch.
Bên cạnh đó, vợ chồng cụ ông cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những nhà hảo tâm đã thương gia cảnh nghèo khó, hết sức giúp đỡ, hỗ trợ gia đình trong những ngày qua.
Hành động của hai vợ chồng ông Phan Văn Tôn đã nhận được rất nhiều sự tán dương của mọi người. Nhiều ý kiến cho rằng, hai ông bà có tấm lòng vị tha, bao dung, hiếm có người nào được như vậy. Nhưng cũng nhiều người nêu ý kiến phải truy cứu hành vi này của nhóm thanh niên đến cùng để răn đe, để trở thành một bài học cho người trẻ tuổi. Vậy pháp luật Việt Nam quy định xử lý hành vi của nhóm thủ phạm này như thế nào?
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa đến từ văn phòng Luật sư X thuộc đoàn Luật sư TP.Hà Nội đưa ra quan điểm: “Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác sẽ bị phạt hành chính theo quy định sau đây: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân. Bên cạnh đó còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tùy trường hợp theo quy định. Đồng thời, phải có biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”.
Cũng theo Luật sư Nghĩa, chiếu theo vụ việc, nhóm thanh niên phá hoại vườn dưa của ông cụ nếu nhẹ có thể bị xử phạt hành chính, nặng thì có thể sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) như sau:
“Nếu người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật”.
Bên cạnh những thắc mắc về hình phạt mà nhóm thanh niên này phải đối mặt, nhiều độc giả còn đặt ra một dấu chấm hỏi lớn rằng khi gia đình nạn nhân đã làm đơn xin tha cho các đối tượng thì những thanh niên đó có còn phải chịu trách nhiệm pháp lý nữa hay không?
Giải đáp khúc mắc trên, theo Luật sư Nghĩa thông tin thêm: “Trong trường hợp nhóm thanh niên này bị xử lý thì việc gia đình nạn nhân có viết đơn xin tha cũng sẽ chỉ chấm dứt được quan hệ dân sự giữa nhóm thủ phạm phá hoại vườn dưa hấu với gia đình nạn nhân, trách nhiệm hành chính và hình sự vẫn còn nên việc này sẽ chỉ được coi là một tình tiết giảm nhẹ. Còn theo pháp luật, thủ phạm vẫn sẽ phải chịu chế tài vì hành vi này gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, hành vi xâm phạm đến những mối quan hệ này vẫn tiến hành xử phạt theo quy định Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt là 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng”.