Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Vai trò của luật sư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán hợp đồng

Vai trò của luật sư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán hợp đồng
Để có thể tối ưu hóa lợi ích cũng như tránh được những rủi ro không đáng có giữa hai hoặc nhiều bên khi ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần phải có sự hỗ trợ pháp lý từ luật sư khi đàm phán. Với vốn hiểu biết về pháp luật sẵn có và kinh nghiệm tích lũy được, luật sư sẽ giống như một sợi dây kết nối, giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đàm phán - giai đoạn quyết định thành bại của sự hợp tác.

Đàm phán hợp đồng là thực hiện quá trình thương lượng, đối thoại giữa hai hoặc nhiều bên có ý muốn quan hệ đối tác với nhau, nhằm mục đích tiến đến một thỏa thuận chung đáp ứng yêu cầu cá nhân hoặc yêu cầu hợp tác kinh doanh của các bên tham gia đàm phán. Việc ký được các hợp đồng tốt, đem lại tối đa lợi ích cũng như đảm bảo sự hài hòa, công bằng giữa các bên ký kết là một điều vô cùng quan trọng. Để tránh những rủi ro, đảm bảo sự chặt chẽ của các điều khoản trong hợp đồng, doanh nghiệp cần có sự và hỗ trợ từ các công ty luật.

Vai trò của luật sư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán hợp đồng
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và các cộng sự.

Doanh nghiệp khi đàm phán hợp đồng cần có sự hỗ trợ pháp lý từ là rất cần thiết

Để tìm hiểu về vấn đề trên, PV Diễn đàn Pháp luật đã liên hệ với luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP.  Theo đó, luật sư Hà nêu ra quan điểm: “Đàm phán là một trong các hoạt động quan trọng nhất quyết định việc thành, bại của một mối quan hệ hợp tác. Do đó, khi tham gia đàm phán hợp đồng, doanh nghiệp cần đề cử người có kỹ năng giao tiếp, đàm phán tốt và có kiến thức, nắm bắt được vấn đề, nội dung của hợp đồng để đảm bảo cho quá trình đàm phán hợp được thuận lợi. Luật sư là người có đầy đủ các yếu tố để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đàm phán hợp đồng. Họ có , tư duy pháp lý, khả năng nhìn nhận các điều khoản có lợi, bất lợi, khả năng thuyết phục đối tác nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia vào hợp đồng đó”.

Cũng theo luật sư Hà, đối với mỗi điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là những điều khoản do đối tác đưa ra, luật sư có vai trò giải thích cho doanh nghiệp hiểu tình hình hiện tại của mình để có những phương án thích hợp. Đây là điều quan trọng bởi không phải khách hàng nào cũng nắm được quy định của pháp luật và các điều khoản tại hợp đồng. Vai trò của luật sư sẽ được thể hiện rõ trong việc cảnh báo các bất lợi, rủi ro pháp lý liên quan đến quyền và lợi ích của khách hàng khi giao kết hợp đồng.

“Khi các bên đạt được thỏa thuận, luật sư sẽ hỗ trợ các bên trong việc hoàn tất giao kết hợp đồng, soạn hợp đồng. Việc soạn thảo, rà soát các điều khoản, nội dung của hợp đồng là rất quan trọng. Luật sư sẽ giúp khách hàng soạn thảo các điều khoản với nội dung rõ ràng, ngôn từ diễn tả đúng, chính xác với nội dung đã thống nhất nhằm tránh rủi ro không đáng có do ngôn từ thiếu chặt chẽ”, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP .

Như vậy, đối với mọi hợp đồng, đặc biệt là những hợp đồng quan trọng, có giá trị lớn và phức tạp, việc tham khảo hoặc nhờ sự tư vấn của luật sư là điều vô cùng cần thiết.

Luật sư hỗ trợ doanh nghiệp trước, trong và sau đàm phán hợp đồng như thế nào?

Đàm phán hợp đồng là quá trình đòi hỏi nhiều năng lực của người tham gia đàm phán như kỹ năng giao tiếp, hiểu biết, sự tự tin, khả năng thuyết phục,… Luật sư là những người có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu này nên khi tham gia vào quá trình đàm phán, với vai trò là một nhà ngoại giao, một sợi dây kết nối, luật sư sẽ giúp các bên thương lượng có hiệu quả, thuận lợi, suôn sẻ hơn.

Vậy cụ thể những công việc mà luật sư cần phải hỗ trợ doanh nghiệp trong đàm phán hợp đồng là gì? Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hà cho biết: "Ở thời điểm trước khi đàm phán, luật sư sẽ hỗ trợ khách hàng trong việc rà soát các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo các điều khoản của hợp đồng phù hợp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, luật sư sẽ chuẩn bị, dự liệu các tình huống có thể xảy ra trong quá trình đàm phán để có  các phương án dự phòng phù hợp với mục đích của khách hàng. Bên cạnh đó, luật sư cũng là người rà soát, kiểm tra các điều khoản tại hợp đồng sao cho đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của khách hàng khi tham gia hợp đồng".

Vai trò của luật sư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán hợp đồng
Sự hỗ trợ, tư vấn của luật sư trong quá trình đàm phán hợp đồng là điều vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa.

Luật sư có thể đại diện cho khách hàng thực hiện đàm phán hợp đồng với đối tác. Song song với đó là đề xuất các phương án tốt nhất cho khách hàng và để phía đối tác phản hồi. Sau khi có phản hồi từ đối tác, luật sư sẽ cân nhắc về lợi ích, rủi ro để đưa ra phương án thương lượng phù hợp với mong muốn ban đầu của khách hàng. Luật sư cũng là người trình bày rõ quan điểm đề xuất của khách hàng với đối tác trong trường hợp đối tác không chấp nhận đề xuất của khách hàng. Trong nhiều trường hợp, việc đối tác không chấp nhận đề xuất của khách hàng có thể do đối tác chưa hiểu rõ hoàn cảnh và yêu cầu của đề xuất này, chứ không phải do mong muốn của khách hàng là không hợp lý.

Thời điểm sau đàm phán, tức là sau khi cuộc đàm phán đã thành công, luật sư sẽ hỗ trợ các bên trong việc hoàn tất giao kết hợp đồng, soạn hợp đồng. Luật sư sẽ giúp khách hàng soạn thảo các điều khoản với nội dung rõ ràng, ngôn từ hợp đồng diễn tả đúng, chính xác với nội dung đã thống nhất, nhằm tránh rủi ro không đáng có do ngôn từ của hợp đồng thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, luật sư có thể hỗ trợ và tư vấn cho khách hàng trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Luật sư và các hướng giải quyết rủi ro phát sinh trong quá trình đàm phán hợp đồng

Các doanh nghiệp không có sự hỗ trợ, tư vấn của luật sư khi đàm phán hợp đồng rất dễ gặp phải những rủi ro không đáng có do chưa thực sự nghiên cứu và hiểu hết các điều luật liên quan tới hợp đồng, điều này dẫn đến hàng loạt hệ lụy đi kèm. Luật sư Nguyễn Thanh Hà chỉ rõ: “Đối với các trường hợp không nhận được sự tư vấn của luật sư trong quá trình đàm phán hợp đồng, rủi ro thường gặp nhiều nhất là do hợp đồng không quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của khách hàng dẫn đến tranh chấp hợp đồng, ví dụ như hợp đồng không quy định rõ ràng về hồ sơ thanh toán dẫn đến việc các bên không đạt được thỏa thuận về việc thanh toán; nội dung hợp đồng quy định chung chung, không rõ ràng dẫn đến việc điều khoản của hợp đồng có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau dẫn đến việc các bên không thống nhất được thỏa thuận,…”.

Luật sư Hà cũng nêu ra một số ví dụ về rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng: Tổn hại về kinh tế mà lý do là doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ cặn kẽ về các điều khoản trước khi đặt bút ký hợp đồng: "Điều khoản về thanh toán không quy định chi tiết việc đối chiếu công nợ giữa hai bên, hồ sơ thanh toán không quy định rõ ràng dẫn đến việc bên đối tác không thực hiện nghĩa vụ thanh toán do khách hàng không đảm bảo hồ sơ thanh toán. Trường hợp khác, hợp đồng hợp tác giữa hai bên quy định rõ ràng về các điều khoản, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên không thống nhất được việc nghiệm thu và thanh lý hợp đồng. Bên nào cũng mong muốn đạt được lợi ích tối đa mà không quan tâm đến lợi ích của bên còn lại nên các bên không thể thống nhất được giải pháp chung cho đôi bên, dẫn đến tranh chấp kéo dài".

Nhìn chung, với mọi doanh nghiệp đều nên có sự hỗ trợ, tư vấn của luật sư hoặc bộ phận có chuyên môn trong hoạt động kinh doanh. Với kinh nghiệm và kiến thức pháp lý, luật sư có thể tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Đồng thời, luật sư có thể cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, để từ đó đưa ra phương án tốt nhất, đảm bảo quá trình kinh doanh được thuận lợi.

Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 5 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38078 sec| 671.25 kb