Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bắt nạt học đường: Đừng để môi trường giáo dục trở thành bóng ma tâm lý

Bắt nạt học đường: Đừng để môi trường giáo dục trở thành bóng ma tâm lý
Bạo lực học đường là một vấn đề nan giải của học sinh, phụ huynh và các nhà giáo dục không những chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở khắp các nước trên thế giới. Thời gian gần đây, tình trạng này dường như xuất hiện ngày càng nhiều với những clip, hình ảnh lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Nhà trường vốn là nền tảng giúp hình thành nên nhân cách con người. Tuy nhiên, đã từ lâu, vấn nạn bạo lực học đường đã trở thành một “căn bệnh mãn tính” mà chưa có cách nào loại bỏ. Hậu quả mà nó mang lại không chỉ là những nỗi đau trên cơ thể, lâu dần có thể trở thành nỗi ám ảnh về tâm lý. Khi ấy, đối với những nạn nhân của bắt nạt học đường, trường học sẽ không còn là một nơi mà họ muốn gắn bó.

Nữ sinh bị bạn tát liên tiếp vào mặt ngay trong lớp học ở Nghệ An

Theo Infornet, ngày 17/9, trên mạng xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một sau khi chửi bới, văng tục đã lao vào tát tới tấp bạn cùng lớp. Trong clip, nữ sinh đeo khẩu trang đã túm tóc, tát liên tiếp vào mặt bạn học. Vụ việc xảy ra trong lớp, có sự chứng kiến của nhiều học sinh khác nhưng không ai tới can ngăn, trong khi nạn nhân thì không dám phản kháng.

Bắt nạt học đường: Đừng để môi trường giáo dục trở thành bóng ma tâm lý
Nữ sinh đánh bạn ngay trong lớp học. Ảnh cắt từ clip: Infornet

Qua xác minh, khoảng 8h30 ngày 17/9 tại lớp 10C6 trường THPT Anh Sơn 3 (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), cháu B.T.Y.V (15 tuổi, học sinh lớp 10C6, trú xã Thọ Sơn) đã bị một bạn học cùng lớp là L.T.T (15 tuổi, trú xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn) dùng tay đánh nhiều lần vào mặt. Tất cả sự việc được một bạn trong lớp quay video lại, gửi lên một nhóm của học sinh và bị phát tán lên

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an xã Đỉnh Sơn đã mời các học sinh có liên quan và phụ huynh tới trường THPT Anh Sơn 3 để làm việc. Quá trình làm việc, cháu L.T.T. cũng đã nhận thức được hành vi đánh bạn là sai trái. Cháu T. cùng gia đình cũng công khai xin lỗi cháu B.T.Y.V và gia đình trước cơ quan công an và Ban giám hiệu nhà trường.

Hà Tĩnh: Khởi tố nữ sinh 16 tuổi lột đồ, làm nhục bạn giữa đường

Thông tin từ Tuổi trẻ Online, Công an huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã tống đạt quyết định khởi tố đối với C.T.T.H. (16 tuổi, học sinh lớp 11, ngụ tại xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn) để điều tra về hành vi "Làm nhục người khác". Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 39 giây ghi lại cảnh một nữ sinh trong tình trạng không mặc quần áo, ngồi bên vệ đường, trên tay cầm vật giống áo để che cơ thể. Lúc này, một nữ sinh khác đeo khẩu trang, mặc áo khoác đồng phục của trường học đến giật lấy chiếc áo ném đi chỗ khác. Sau đó, nữ sinh này nắm tóc nạn nhân kéo ra giữa đường, vật ngửa nạn nhân và dùng tay tát vào mặt. Trong đoạn clip còn xuất hiện một số học sinh khác quay lại sự việc, đứng xem nhưng không vào can ngăn. Đoạn clip được lan truyền khiến nhiều người bức xúc, lên án hành vi làm nhục người khác.

Bắt nạt học đường: Đừng để môi trường giáo dục trở thành bóng ma tâm lý
Nữ sinh 16 tuổi lột đồ bạn giữa đường. Ảnh cắt từ clip: Tuổi trẻ Online.

Qua điều tra, công an xác định do mâu thuẫn cá nhân, chiều ngày 8/8, tại một khu vực thuộc xã Sơn Tiến (huyện Hương Sơn), nữ sinh H. có hành vi đánh đập, dùng kéo cắt xé và lột hết quần áo của em B.T.B.H. (15 tuổi) cùng trú tại huyện Hương Sơn.

Thừa Thiên - Huế: Hai nữ sinh đánh nhau, hàng chục bạn đứng xem, quay clip

Báo Đại Đoàn Kết cho biết, vào khoảng 17h30 ngày 9/9, giữa 2 nữ học sinh Trường THCS Phong Sơn (tỉnh Thừa Thiên - Huế) gồm: H.T.P.L. (13 tuổi, trú tại thôn Sơn Bồ, xã Phong Sơn) và T.T.T.M. (13 tuổi, trú tại thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn) đã xảy ra xích mích nên hẹn nhau đến đoạn đường liên thôn phía sau Trường THCS Phong Sơn để đánh nhau. Trong lúc 2 nữ sinh này đánh nhau, có 21 học sinh của THCS Phong Sơn và 2 học sinh Trường THCS Phong An đứng xem, trong đó một số học sinh dùng quay lại video diễn biến vụ việc. 

Cơ quan Công an đã phối hợp với Ban giám hiệu, giáo viên của Trường THCS Phong Sơn và Trường THCS Phong An mời các học sinh cùng phụ huynh có liên quan đến làm việc. Tại buổi làm việc, cơ quan Công an yêu cầu các học sinh xóa, gỡ bỏ các video đã quay trong điện thoại về vụ việc đánh nhau giữa 2 nữ học sinh, không để phát tán trên không gian mạng, đồng thời tiến hành củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.

Yên Bái: Nam sinh lớp 8 treo cổ tự tử sau khi bị đánh đập, nhục mạ rồi quay clip đăng lên mạng

Sự việc đau lòng này xảy ra vào năm 2016, khi đó em Bùi Đoàn Quang Huy đang là học sinh lớp 8 trường THCS Âu Lâu, TP.Yên Bái. Theo VTC News, ngày 19/9/2016, Huy bị một nhóm người chặn trước cổng trường, dùng tuýp cao su đánh và ép phải quỳ lạy xin tha thứ trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Nhiều học sinh chứng kiến đã dùng điện thoại quay lại clip rồi tung lên mạng xã hội. Sau khi bị đánh, Huy rơi vào trạng thái hoảng loạn tâm lý. Gia đình đã đưa Huy đến điều trị và nằm viện một tuần tại 103 (Yên Bái). Sau đó, ngày 25/9, Huy đã treo cổ tự tử tại nhà thuộc thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, TP.Yên Bái. 

Bắt nạt học đường: Đừng để môi trường giáo dục trở thành bóng ma tâm lý
Nam sinh lớp 8 quỳ gối trước sự chứng kiến của nhiều người. Ảnh: Zing News.

Cơ quan điều tra đã xác định vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa em Bùi Đoàn Quang Huy với em Tr.V.Đ. (học sinh lớp 7, cùng trường) từ vài ngày trước. Sau đó, Tr.V.Đ. có kể lại sự việc với phụ huynh. Đến ngày 19/9, phụ huynh cháu Đ. cùng anh họ đã đến cổng trường THCS Âu Lâu và có hành vi đánh đập Huy như clip đã đăng tải trên mạng xã hội. Người quay lại clip Huy bị đánh rồi tung lên mạng xã hội Facebook là một nữ sinh khối 8 cùng trường.

Bắt nạt, bạo lực học đường rồi tung lên mạng xã hội, thậm chí hậu quả là những cái chết thương tâm thật sự đã khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng, bất an đồng thời cũng hết sức bức xúc, phẫn nộ. Bởi lẽ, chúng ta vẫn luôn nhìn nhận môi trường giáo dục là một nơi an toàn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn và trí óc con người, nơi mang lại những giá trị nhân văn và chuẩn mực. Tuy nhiên, tình trạng bắt nạt, bạo lực trong trường học với chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm thực sự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và cả xã hội. 

Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, TS.Trần Hà Thu (Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội) nêu quan điểm: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó phải kể đến những nguyên nhân chính sau đây. Thứ nhất, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi: Thiếu niên mong muốn thể hiện bản thân, chứng tỏ bản thân với người khác nên rất dễ bị kích động, dễ hưởng ứng theo phong trào, dễ chịu sự tác động lớn từ các nhóm bạn bè, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Thứ hai, do học sinh còn thiếu kiến thức và kỹ năng thể hiện bản thân một cách tích cực, cũng như kỹ năng nhận diện và quản lý cảm xúc cá nhân, ứng phó với hành vi bạo lực học đường cùng các kỹ năng giao tiếp, thiết lập và xây dựng các mối quan hệ bạn bè, cách giải quyết các xung đột trong mối quan hệ bạn bè. Thứ ba, do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố có tính chất bạo lực trên mạng internet thông qua các bộ phim, clip, tranh ảnh có tính chất bạo lực. Ngoài ra, việc gia đình và nhà trường kiểm soát chưa hiệu quả các hoạt động của con em mình cũng là một nguyên nhân của vấn nạn này”.

Cũng theo TS.Trần Hà Thu, những nạn nhân của bắt nạt học đường có thể đối mặt với những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, buồn chán, uất ức. Việc mất hứng thú trong các hoạt động, giảm sự tập trung, giảm khả năng tư duy cũng có thể dẫn tới tình trạng kết quả học tập bị giảm sút. Thêm vào đó, cảm giác cô đơn và mất niềm tin vào cuộc sống sẽ khiến các em ngày càng tự ti, lảng tránh các mối quan hệ, từ chối với mọi người xung quanh. Thậm chí, khi căng thẳng kéo dài còn có nguy cơ dẫn đến những rối loạn tâm thần hay hành vi tự tử. 

Chính vì lẽ đó, đã đến lúc chúng ta cần phải có những biện pháp quyết liệt và thích hợp hơn để đẩy lùi vấn nạn này. TS.Trần Hà Thu đã có những chia sẻ về giải pháp để giảm thiểu tình trạng bắt nạt học đường. Theo đó, gia đình và nhà trường cần phối hợp để quản lý tốt các hoạt động hàng ngày của học sinh. Đồng thời, cha mẹ và thầy cô cần là những tấm gương về lối sống tích cực, lành mạnh, tử tế cho học sinh; cần quan tâm, chia sẻ để nắm bắt được nhu cầu, tình cảm, những căng thẳng trong học tập và các mối quan hệ của học sinh nhằm kịp thời hỗ trợ, . Hướng dẫn học sinh kiến thức và kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường. Giáo dục các em về giá trị của tình bạn cùng những kỹ năng giao tiếp nhằm xây dựng các mối quan hệ bạn bè tích cực, kỹ năng giải quyết các xung đột trong tình bạn. Việc quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh góp phần phòng tránh bạo lực học đường. Bên cạnh đó, nhà trường có thể tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, thể thao, văn hóa nghệ thuật nhằm giúp học sinh có cơ hội thể hiện bản thân, tăng cường sự tự tin, gắn kết bạn bè, hạn chế tiếp xúc với mạng internet. Đối với những học sinh cá biệt, cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường nhằm đưa ra phương án uốn nắn phù hợp, tránh phân biệt đối xử với các em. 

Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27262 sec| 670.664 kb