Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Làm gì? Một góc nhìn về nghề xe ôm công nghệ

Làm gì? Một góc nhìn về nghề xe ôm công nghệ
Nhiều người tốt nghiệp đại học, ra trường vẫn chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh. Điều đó có tốt?...

Hưng cùng tôi, rằng đã cãi lại bố mẹ, khi chọn ngành nghề theo học bậc đại học, nên giờ mới ra nông nỗi này. Tâm trạng của Hưng có vẻ rất tiêu cực. Và Hưng tiếc nuối về quá khứ bướng bỉnh của mình. Hưng vừa học xong kiến trúc, ra trường, nhưng thấp nghiệp, nên chạy Grab.

Chạy Grab, những ngày còn “vàng son”, một ngày có thể kiếm tiền triệu, nhưng thời điểm hiện tại, thị trường bão hòa, người làm lại đông, nên nghề tưởng chừng như hái ra tiền này lại trở thành một công việc không còn mấy “dư dả” nữa.

Bố mẹ định hướng Hưng học trường luật, hoặc trường liên quan đến hành chính nhà nước, bởi bố mẹ đều cán bộ nhà nước, có nhiều mối quan hệ trong giới quan chức. Nhưng Hưng nhất quyết tự chọn ngành theo đam mê (hoặc sở thích), là kiến trúc.

Hưng chọn lựa như vậy, vì không muốn trở thành giống như bố mẹ, làm việc trong môi trường gò bó. Tuy bố mẹ làm quan chức, nhưng là quan chức nhỏ, nên lên Hà Nội học, Hưng vẫn cố gắng đi làm thêm để trang trải ăn học. Nghĩa là, thời sinh viên Hưng vừa làm vừa học.

Thời Hưng lên Hà Nội học, cũng là thời điểm “vàng” của nghề lái xe ôm công nghệ. Hưng chọn vừa học trên trường, vừa chạy xe ôm, như hàng ngàn sinh viên khác. Thời gian trôi qua nhanh, chẳng mấy chốc Hưng ra trường.

Ngày theo học kiến trúc, Hưng mơ ước về một tương lai tươi sáng. Nhưng buồn một nỗi, sau gần 5 năm, thời điểm Hưng ra trường, đúng vào giai đoạn kinh tế khó khăn (sau đại dịch Covid 19, kinh tế khó khăn trên bình diện quốc tế nói chung, không riêng gì Việt Nam). Tình hình kinh tế Việt Nam cũng không mấy khả quan, đặc biệt là công việc liên quan đến bất động sản.

Vậy là từ một công việc phụ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, Hưng trở thành một người lái xe ôm công nghệ chuyên nghiệp, mỗi ngày phải lao động cật lực mười hai tiếng. Tấm bằng đại học, lấy xong, để vào ngăn tủ. Và điều đó làm Hưng cảm thấy ân hận, tiếc nuối, vì đã không nghe lời bố mẹ.

Hưng nghĩ đơn giản thế thôi, chứ chắc gì học theo định hướng của bố mẹ đã tốt? Nếu Hưng thực sự có đam mệ, khát vọng theo đuổi một nghề nghiệp tử tế, thì chắc chắn sẽ còn nhiều con đường mở ra. Có thể bây giờ chưa thuận lợi, nhưng một ngày nào đó, chắc chắn sẽ có con đường... Còn nếu học theo định hướng của bố mẹ, bản thân mình không thích, thì tương lai liệu có tốt?...

Tầm tuổi với Hưng, nhưng câu chuyện của Hải lại gợi lên trong tôi một cảm xúc khác.

Hải cũng từng là sinh viên, từng chạy xe ôm, như hàng ngàn sinh viên, như Hưng. Nhưng khi đang là sinh viên năm hai, thì bố bị bệnh nặng, kinh tế gia đình khó khăn, nên đành bỏ dở. Sau khi lo cho bố thoát khỏi cơn nguy kịch, Hải quyết định ở quê lập nghiệp. Sau ba năm không ngừng nỗ lực, Hải tạo dựng được một cơ sở cơ khí ăn nên làm ra, đội ngũ làm thuê trên chục người, doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến, nhiều công trình Hải nhận thầu bị chủ đầu tư nợ. Kinh tế khó khăn như một “hiệu ứng domino”, những người nợ Hải không nghĩ họ làm ăn bị phá sản, nhưng họ thực sự đã phá sản.

Công trình làm xong không có nguồn thu, nhiều công trình như vậy, Hải đành chấp nhận cho nhân viên nghỉ, bản thân chấp nhận nợ ngân hàng với số tiền tỷ. Vì lúc làm xưởng, Hải lấy sổ đỏ vay ngân hàng để có vốn làm ăn.

Tình cảnh của Hải thật thê thảm, như rất nhiều người tôi từng gặp, trong hành trình chạy xe ôm của mình. Điều làm Hải cảm thấy an ủi, là người bố đã khỏe hơn xưa, có thể tự lo liệu cho mình và việc nhà được. Hải quyết định xuống Hà Nội chạy xe ôm, như một lối thoát duy nhất, cho tình huống hiện tại.


Sinh viên ra trường thất nghiệp, những người kinh doanh nhỏ bị phá sản, giới nhân viên văn phòng bị ngưng công việc, công nhân bị sa thải, nông dân làm mùa vụ thất bát,… mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cuối cùng lại đổ về thành phố để chạy xe ôm công nghệ.

Xe ôm công nghệ, một loại hình lao động tự do, dễ dàng tham gia, không có gì ràng buộc, là chọn lựa hoàn toàn hợp lý, cho những người cần cách xử lý mang tính tình thế. Nhưng với sự dôi dư lực lượng tài xế công nghệ, tạo nên một cuộc “khủng hoảng thừa”, thì nghề xe ôm công nghệ lại rơi vào bấp bênh về thu nhập, cho chính những người tham gia vào hệ thống đó. Đơn cử, nhiều tài xế chạy mỗi ngày chỉ đủ tiền chế xăng và trang trải ăn uống trong ngày!...

Nhưng nếu không chạy xe ôm công nghệ, thì biết làm gì đây?...

Tôi vẫn hy vọng, một ngày nào đó Hưng sẽ tìm được công việc phù hợp, với tấm bằng kiến trúc của mình. Và lòng Hưng tràn đầy nhiệt huyết với đam mê, khát vọng về một tương lai tươi sáng. Một ngày nào đó, những người nợ tiền của Hải trả đủ.  Hải không còn phải gánh tiền nợ ngân hàng. Và Hải bắt đầu lại với những dự án, những công trình mới…

Nhưng hiện tại, có lẽ chạy xe ôm công nghệ là chọn lựa duy nhất phù hợp với hoàn cảnh thực tế! Dù cuộc sống rất nhiêu khê! Bởi, nếu cuộc sống dễ dàng để cho ta chọn lựa, thì đâu còn là cuộc sống? Việc một sinh viên ra trường, thất nghiệp, và chạy xe ôm để kiếm sống, là tốt hay không, ta thật khó trả lời. Bởi nếu có chọn lựa tốt hơn, thì họ đã không chọn nghề chạy xe ôm…

Và làm gì, thì cuối cùng mỗi người phải tự tìm ra hướng đi cho riêng mình!...

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 5 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23956 sec| 645.906 kb