Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 6, sáng 31/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

Dự án luật này hiện được xây dựng có bố cục gồm 10 chương với 82 điều, quy định về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản.

Luật này không áp dụng đối với các trường hợp: Cơ quan, tổ chức thực hiện bán nhà ở, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách; chuyển quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất do sáp nhập, hợp nhất theo quy định của pháp luật. 

Cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quyết định của tòa án, của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp. 

Tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình không nhằm mục đích kinh doanh...

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) có ý kiến cho rằng, hoạt động kinh doanh bất động sản được điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bất động sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện do những chủ thể được đăng ký ngành nghề kinh doanh chuyên nghiệp. Có ý kiến đề nghị làm rõ các loại bất động sản theo Bộ luật Dân sự là đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản.

Làm rõ các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh, UBTVQH tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung khoản 2 Điều 1 về các trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó điểm đ quy định về trường hợp "Tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình không nhằm mục đích kinh doanh" do đây là những giao dịch dân sự, không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. 

Đồng thời, chỉnh lý khoản 1 Điều 3 về khái niệm kinh doanh bất động sản, theo đó đối tượng của hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ bao gồm nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản và phải gắn với mục đích tìm kiếm lợi nhuận, bảo đảm không chồng chéo với Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai. Chỉnh lý Điều 5 để làm rõ các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh.

Liên quan đến nội dung về công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh (Điều 6), có ý kiến đề nghị quy định "Doanh nghiệp bất động sản phải công khai thông tin và chịu trách nhiệm về sự đầy đủ, trung thực và chuẩn xác của các thông tin phải công khai". Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể nơi công khai thông tin về bất động sản.

UBTVQH tiếp thu và chỉnh lý quy định tại khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật để bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong việc phải công khai thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin về bất động sản, dự án bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh; việc công khai thông tin là một trong những điều kiện để kinh doanh bất động sản. Đồng thời, dự thảo Luật đã được bổ sung thêm khoản 6 Điều 6 giao Chính phủ quy định chi tiết để xác định cụ thể về thời điểm, trình tự, thủ tục thực hiện việc công khai thông tin.

Đề cập đến điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản (Điều 9), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, có ý kiến đề nghị rà soát các hoạt động kinh doanh bất động sản của cá nhân có phạm vi hẹp hơn so với khái niệm kinh doanh bất động sản.

Về nội dung trên, UBTVQH  tiếp thu và chỉnh sửa Điều 9 theo hướng: Cá nhân khi kinh doanh bất động sản thì phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản; trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản với quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật và phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật; khoản 5 Điều 9 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ về số lượng, giá trị đối với các loại bất động sản.

Về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng có sẵn đưa vào kinh doanh (Điều 14), có ý kiến cho rằng, hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời hạn thuê sẽ có thuận lợi khi chính sách, giá đất thay đổi. Có ý kiến đề nghị nhà ở, công trình xây dựng trên đất được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì được bán, cho thuê, nhà ở, công trình xây dựng trên đất được Nhà nước cho thuê trả tiền hằng năm chỉ được cho thuê.

UBTVQH tiếp thu và chỉnh lý quy định tại điểm e khoản 3 Điều 14, theo đó việc bán, cho thuê mua các phần diện tích sàn xây dựng chỉ áp dụng với công trình xây dựng trên đất được Nhà nước cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, để bảo đảm đồng bộ các quy định về quyền của người sử dụng đất tương ứng với các hình thức sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) - Ảnh: quochoi.vn

Các phương án liên quan đến quy định về đặt cọc

Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (Điều 23), một số ý kiến nhất trí về sự cần thiết quy định về đặt cọc, thời điểm nhận đặt cọc, số tiền đặt cọc tại dự thảo Luật. 

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định đặt cọc để đảm bảo giao kết hợp đồng trước thời điểm nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh. Một số ý kiến nhất trí chỉ cho nhận đặt cọc khi "nhà ở, công trình xây dựng có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" và "đã thực hiện giao dịch theo quy định".

Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, UBTVQH đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: "Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này".

Phương án này ít rủi ro hơn đối với khách hàng, bên yếu thế trong giao dịch bất động sản, do việc đặt cọc chỉ được thực hiện khi bất động sản đã đủ điều kiện kinh doanh và hai bên đã chính thức ký kết hợp đồng, hạn chế phát sinh tranh chấp.

Hạn chế của phương án này là chủ đầu tư không có cơ hội nhận đặt cọc để bảo đảm ký kết hợp đồng với những khách hàng tiềm năng; việc nhận đặt cọc từ những khách hàng đã ký kết hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai không phải là đặt cọc bảo đảm ký kết hợp đồng mà là đặt cọc bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự, không còn quá nhiều ý nghĩa của đặt cọc do trong hợp đồng đã có quy định về việc thu tiền thanh toán giá trị hợp đồng theo tiến độ và điều khoản phạt nếu các bên không thực hiện đúng nghĩa vụ.

Phương án này được Chính phủ và 15/40 ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội lựa chọn.

Phương án 2: "Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng. Số tiền đặt cọc tối đa theo quy định của Chính phủ nhưng không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- trong từng thời kỳ, từng loại hình bất động sản".

Phương án này giúp chủ đầu tư được ký kết hợp đồng đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết với khách hàng tiềm năng trước thời điểm bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Hạn chế của phương án này là công trình chưa được khởi công xây dựng dẫn đến khách hàng phải chịu rủi ro; trường hợp chủ đầu tư thực hiện các bước thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, xin cấp giấy phép xây dựng và thực hiện xây dựng kéo dài hơn cam kết thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, có thể phát sinh tranh chấp. UBTVQH đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung đánh giá tác động đối với phương án.

Phương án này được 20/40 ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội lựa chọn.

Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) - Ảnh: quochoi.vn

Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các dự án luật đang trình Quốc hội

Thảo luận về dự án luật, đa số các ý kiến phát biểu cho rằng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đã được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung tương đối hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Hiến pháp 2013 và các quy định có liên quan. Dự thảo Luật cơ bản khắc phục những hạn chế của dự thảo Luật trình tại kỳ họp thứ 4 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đến nay đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các dự án luật đang trình Quốc hội xem xét thông qua như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) về các nội dung liên quan đến các quy định như quyền và nghĩa vụ của các bên trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà ở, quy định liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Cùng nội dung nêu trên, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, một số nội dung của dự thảo luật tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, kinh tế vĩ mô của đất nước, có liên quan đến nhiều dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. 

Để tránh chồng chéo, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn các quy định về kinh doanh bất động sản gắn với quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, để dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), hiện nay Quốc hội đang thảo luận và thông qua 3 luật là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đều quy định chung về dự án bất động sản phải xây nhà mới được chuyển nhượng. 

Đại biểu nhận thấy quy định này tại 3 luật còn không thống nhất. Do đó, đề nghị chỉ quy định nội dung này trong một luật, tránh trường hợp không thể sửa độc lập trong một luật khi cần thiết. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, nội dung quy định về việc cho phép xây nhà ở để kinh doanh chỉ nên quy định trong Luật Nhà ở hoặc Luật Kinh doanh bất động sản là phù hợp, tránh chồng chéo.

Góp ý về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) bày tỏ nhất trí với phương án một và lập luận được nêu trong tiếp thu, giải trình. Theo đó, phương án này ít rủi ro hơn đối với khách hàng, đây là bên yếu thế trong giao dịch bất động sản do việc đặt cọc chỉ được thực hiện khi bất động sản đã đủ điều kiện kinh doanh và hai bên đã chính thức ký kết hợp đồng, hạn chế phát sinh tranh chấp.

Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên, thời điểm được thu tiền đặt cọc ngay từ khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất như thể hiện tại phương án hai sẽ dẫn đến khoảng thời gian từ khi nhận đặt cọc đến khi triển khai dự án trên thực tế rất dài, gây ra nhiều rủi ro hơn cho khách hàng. Trong khi đó, thị trường bất động sản thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư các dự án bất động sản lợi dụng hình thức đặt cọc, hợp đồng góp vốn để huy động vốn một cách tùy tiện, gây mất trật tự.

Dẫn chiếu thực tế cho thấy nhiều dự án sau khi nhận đặt cọc sau 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng vẫn chưa được triển khai, đại biểu cho rằng cần phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng này xảy ra...

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/bao-dam-su-dong-bo-thong-nhat-cua-du-thao-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-sua-doi-102231031103626923.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26089 sec| 696.281 kb