Xây dựng Hội ngày càng vững mạnh
ĐS&PL: Thưa Chủ tịch, năm 2022, Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều kết quả nổi bật trong nhiều lĩnh vực. Xin Chủ tịch đánh giá về những kết quả ấn tượng nhất của hoạt động Hội trong năm qua?
TS. Nguyễn Văn Quyền: Điểm nhấn trong năm 2022 là Đảng đoàn đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 56 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; đã đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Các mặt công tác chuyên môn như: Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp hội quan tâm, đẩy mạnh và triển khai thực hiện tốt. Công tác tổ chức, cán bộ và hội viên đi vào nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Hội và hội viên. Các mặt công tác khác cũng được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, năm 2022, Hội đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị và sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024 của Hội, tạo được tiếng vang và khẳng định vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của giới luật gia trong cả nước.
Chỉ thị 14-CT/TW của Bộ Chính trị khẳng định rõ Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội – nghề nghiệp hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đối với Hội Luật gia Việt Nam nhằm phát huy các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Sau khi nhận được Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị, ngày 12/10/2022 Hội Luật gia đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện. Để triển khai thực hiện Chỉ thị, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kế hoạch số 862 ngày 12/8/2022 trong đó có các nội dung: Nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến phát huy vai trò Hội Luật gia Việt Nam tham gia công tác nghiên cứu, đề xuất, phản biện, kiến nghị hoàn thiện pháp luật; Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong nghiên cứu, đề xuất xây dựng, trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết (Luật Trọng tài thương mại); Phát huy vai trò của Hội trong tham gia công tác thẩm tra, chỉnh lý; công tác giám sát thi hành pháp luật… Kế hoạch nêu rõ, phát huy vai trò của Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trong việc lấy ý kiến về dự án luật tại địa phương, trong đó nêu rõ trách nhiệm của đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với công tác này.
ĐS&PL: Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam được phân công xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2023-2025. Thưa Chủ tịch, Hội đã tổ chức triển khai như thế nào?
TS. Nguyễn Văn Quyền: Năm 2010, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội khóa XII thông qua Luật Trọng tài thương mại. Sau 10 năm thực thi, Luật Trọng tài thương mại cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn. Nhằm đánh giá cơ sở lý luận và thực tiễn thi hành, mức độ phù hợp, tính khả thi cũng như bất cập, hạn chế và các mâu thuẫn chồng chéo, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật về trọng tài thương mại, Hội đã tổ chức Hội thảo đánh giá, rà soát Luật Trọng tài thương mại lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Đến nay, Hội đã hoàn thiện Dự thảo 5 Báo cáo rà soát Luật Trọng tài thương mại và trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12/2022.
ĐS&PL: Đầu năm 2022, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Điều này có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật mà Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị đề ra?
TS. Nguyễn Văn Quyền: Chúng tôi cho rằng, hợp tác với Viện Nghiên cứu lập pháp là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa cấp bách, là nhiệm vụ nặng nề mà đồng chí Chủ tịch Quốc hội giao phó, tin tưởng Hội Luật gia Việt Nam. Tôi tin tưởng, với kinh nghiệm, truyền thống gần 70 năm hình thành và phát triển, cùng với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật mà Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị đề ra, Hội Luật gia Việt Nam sẽ làm tròn trách nhiệm và đạt được kết quả tốt đẹp.
6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023
ĐS&PL: Xin Chủ tịch cho biết, năm 2023, các cấp Hội Luật gia Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
TS. Nguyễn Văn Quyền: Chỉ thị 14-CT/TW của Bộ Chính trị đặt ra những đòi hỏi đối với giới luật gia Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động, nỗ lực, tích cực và nâng cao trách nhiệm nhiều hơn nữa để góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung mà Đảng và Nhà nước đề ra. Vì vậy, từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIII, các cấp Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục chủ động, đổi mới phương pháp hoạt động, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW nói trên của Bộ Chính trị. Các cấp Hội phải quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 14-CT/TW.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức của các cấp Hội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tiếp tục vận động, thu hút và phát triển hội viên ở các cấp Hội. Phấn đấu các bộ, ngành ở Trung ương và các quận, huyện, thị xã, thành phố đều có tổ chức Hội Luật gia; các xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện đều thành lập tổ chức chi Hội Luật gia.
Thứ ba, chủ động triển khai toàn diện các mặt hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ của Hội. Tổ chức tốt việc đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội và yêu cầu đang đặt ra hiện nay...
Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động của các cấp Hội. Tăng cường mối quan hệ giữa Trung ương Hội với các tỉnh, thành Hội và các chi Hội, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động chung để thu hút và tập hợp được trí tuệ của đội ngũ luật gia cả nước tham gia vào những vấn đề quan trọng.
Thứ năm, phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời mở rộng và tăng cường quan hệ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tăng cường mối quan hệ phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, giám sát và phản biện xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hoá của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực pháp luật.
Thứ sáu, tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa Hội Luật gia Việt Nam với Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hiệp hội luật gia các nước ASEAN (ALA), Hội Luật gia các nước và các tổ chức quốc tế khác mà Hội đã có mối quan hệ; chủ động mở rộng mối quan hệ với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ trên thế giới, động viên người Việt Nam là luật gia định cư ở nước ngoài tham gia các hoạt động xây dựng đất nước.
ĐS&PL: Xin Chủ tịch cho biết những năm qua Hội đã thực hiện nhiệm vụ trong công tác đối ngoại nhân dân thế nào và kế hoạch thực hiện những năm tiếp theo?
TS. Nguyễn Văn Quyền: Với tư cách là một Hội hoạt động trong lĩnh vực pháp luật có số lượng hội viên đông đảo nhất, để thực hiện nhiệm vụ chính trị này, trong những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân.
Thông qua các hoạt động trên trường quốc tế, Hội đã tích cực lên tiếng đấu tranh, bày tỏ quan điểm trên diễn đàn quốc tế về các vấn đề chủ quyền, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… để bảo vệ chủ quyền quốc gia, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức Việt Nam.
Trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương với một số tổ chức của các nước trong khu vực và trên thế giới cùng hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, Hội đã triển khai hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật với các tổ chức nghề luật các nước; tạo điều kiện cho các hội viên của Hội có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm hoạt động và tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của họ đối với Việt Nam.
Cùng với các hoạt động đối ngoại được thường xuyên tổ chức, Hội còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài qua các tạp chí, website của tạp chí, trang thông tin điện tử của Hội, từ đó giúp bạn đọc hiểu đầy đủ và đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, không tin theo những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thông qua việc thực hiện các dự án hợp tác về pháp luật, bằng kết quả hoạt động, Hội cũng giúp các đối tác, các nhà tài trợ nước ngoài có cái nhìn đúng đắn và rõ ràng về các chính sách của Việt Nam đối với người dân như chính sách bảo đảm quyền được tiếp cận pháp luật của mọi người dân; đặc biệt là người nghèo và người yếu thế trong xã hội; chính sách đối với phạm nhân, người chấp hành xong án phạt tù; chính sách pháp luật về đất đai…
Trong thời gian tới đây, Hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công tác đối ngoại nhân dân nhằm góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tìm kiếm và vận động các luật gia là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có uy tín, có ảnh hưởng quốc tế cùng tham gia tuyên truyền, giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
ĐS&PL: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Bài: Hoàng Bích. Ảnh: Hữu Thắng