Sáng ngày 9/7, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa 9, UBND thành phố đã có Tờ trình về thực hiện trình Đề án phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân trên địa bàn với tổng kinh phí thực hiện gần 393.800 tỷ đồng.
Theo UBND TP.HCM, đây là một đề án quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và có nhiều nội dung liên quan đến quyền lợi, đời sống hàng ngày của người dân, thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND.
Kinh phí thực hiện đề án này dự kiến lên tới 393.800 tỷ đồng, bao gồm các dự án đang triển khai thực hiện hoặc đã có chủ trương đầu tư. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 47.644 tỷ. Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA.
Trong giai đoạn 5 năm 2021-2015, Sở Giao thông Vận tải liệt kê 3 giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, 17 giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng.
Để kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, TP.HCM đề xuất thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, bổ sung phí ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí, lệ phí; phân vùng hạn chế hoạt động của xe môtô, gắn máy 2-3 bánh phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công công.
Các giải pháp phát triển giao thông công cộng gồm tổ chức, mở mới các tuyến xe buýt để đạt 192 tuyến, 3.100 phương tiện vào năm 2025. TP.HCM sẽ tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên địa bàn, mở rộng kết nối đến các khu vực có nhu cầu đi lại lớn như các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu công nghệ cao quận 9; các tuyến kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đi Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
TP.HCM cũng đề xuất triển khai các dự án kết nối xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên; nghiên cứu hình thành một số tuyến buýt hoạt động phục vụ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần qua các khu vực trung tâm.
TP tập trung ưu tiên nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác tối thiểu 3 tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 5 và 1 tuyến xe buýt nhanh BRT trước năm 2030 bằng nguồn vốn ODA.