Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Sửa Luật Đất đai góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Sửa Luật Đất đai góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền mong muốn sẽ nhận được các ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết từ các chuyên gia tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 28/2, TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp của UBTVQH tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

TS. Nguyễn Văn Quyền khẳng định dự án Luật Đất đai rất quan trọng, nếu làm tốt và tổ chức thực hiện tốt sẽ góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế - đất nước trong những năm tới. Đây là dự án Luật được các đồng chí lãnh đạo Đảng, các cơ quan cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm.

“Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, các cấp, các ngành và toàn dân cũng đang kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Đất đai lần này để giúp cho việc triển khai Luật trong thời gian tới có kết quả tốt hơn”, TS. Nguyễn Văn Quyền nêu.

Sửa Luật Đất đai góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong quá trình hoàn thiện dự án Luật này, theo TS. Nguyễn Văn Quyền quan điểm chung là cần phải nghiêm túc nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ những chủ trương, đường lối của Đảng. Đặc biệt, phải khắc phục được những tồn tại hiện nay của Luật Đất đai 2013.

“Cần phải quán triệt tinh thần của Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả, quản lý và sử dụng đất đai tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là định hướng, chủ trương rất lớn”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Với tinh thần phát huy trí tuệ tập thể toàn dân tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai nên UBTV đã có Nghị quyết 671 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật, đồng thời Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 170 về ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Chủ tịch Hội Luật gia đánh giá, trong hơn hai tháng qua, việc tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai diễn ra rất sôi động trên cả nước, trên tất cả các cấp, các ngành…

Đối với Hội Luật gia Việt Nam, sau khi có Nghị quyết của UBTVQH Hội đã có kế hoạch triển khai lấy ý kiến toàn giới luật gia đối với dự thảo Luật Đất đai. Hiện, Hội đang giao cho tất cả các cấp Hội Luật gia của 63 tỉnh, thành, các chi hội luật gia trực thuộc cần có ý thức tham gia đầy đủ để có những ý kiến đóng góp gửi về Trung ương Hội Luật gia Việt Nam để Hội có những ý kiến chính thức đối với UBTVQH, Quốc hội về dự thảo Luật này.

Sửa Luật Đất đai góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Các đại biểu dự Hội thảo.

Với vị trí là Hội tổ chức chính trị- xã hội-nghề nghiệp có gần 80.000 hội viên, có vị trí rất quan trọng trong tham gia chính sách, xây dựng pháp luật. Đặc biệt, Hội cũng rất quan tâm đến Luật Đất đai Hội Luật gia để làm sao có những ý kiến đóng góp chất lượng cao nhất trình Quốc hội.

“Chúng tôi đã cử cán bộ, lãnh đạo tham gia ban soạn thảo Luật Đất đai, các đồng chí cấp vụ, chuyên gia tham gia vào tổ biên tập. Suốt thời gian qua, Hội Luật gia Việt Nam đã có những hình thức nhất định góp ý kiến vào dự thảo Luật này”, TS. Nguyễn Văn Quyền cho biết.

Hôm nay, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền mong muốn sẽ nhận được các ý kiến xác đáng, tâm huyết từ các chuyên gia tại Hội thảo.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV (vào tháng 10/2022) và theo quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (sau khi cho ý kiến lần đầu, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023, thảo luận lần thứ 3 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023).

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38534 sec| 646.547 kb