Sáng nay (5/3), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của 36 người và kháng nghị của VKSND Phú Thọ với 47 người trong vụ án đánh bạc trực tuyến liên quan cựu tổng cục trưởng cảnh sát Phan Văn Vĩnh.
Phiên tòa dự kiến diễn ra 8 ngày tại sân TAND tỉnh Phú Thọ do hẩm phán cao cấp Nguyễn Vinh Quang làm chủ tọa. 36 trong 92 bị cáo có đơn chống án xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo hoặc phạt tiền thay ngồi tù.
Bên cạnh chống án của các bị cáo, VKSND tỉnh Phú Thọ cũng kháng nghị bản án sơ thẩm. Theo đó, VKS đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng: không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội có tổ chức" với 27 bị cáo phạm tội Tổ chức đánh bạc trong diện từ đại lý cấp một trở lên; đề nghị cấp phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả một nửa số tiền thu lời bất chính trở lên.
Cuối cùng, VKSND tỉnh Phú Thọ đề nghị cấp phúc thẩm không tịch thu tiền sử dụng vào việc đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội Đánh bạc.
Bản kháng nghị nêu, theo bản án sơ thẩm, Phan Sào Nam (cựu chủ tịch VTC online), Hoàng Thành Trung (cựu giám đốc công ty Nam Việt, đang bỏ trốn), Nguyễn Văn Dương (chủ tịch Công ty CNC) đã kết nối, hợp tác lập, vận hành tổ chức đánh bạc trực tuyến qua các cổng game bài: Rikvip/Tipclub, 23zdo, Zon/Pen...
Từ ngày 19/4/2015 đến 29/8/2017, gần 43 triệu tài khoản game được đăng ký. Ngày 9/8/2016 có hơn 18 triệu tài khoản game có người chơi thực, trong đó gần 300.000 tài khoản có cả số điện thoại kèm theo.
Tổng số tiền được nạp vào hệ thống game bài Rikvip, 23Zdo, Zon/Pen do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm vận hành là gần 10.000 tỷ đồng. Số liệu này chưa đầy đủ vì không có dữ liệu từ ngày 24/6/2017 đến ngày kết thúc 29/8/2018.
Sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, vận hành, đường dây được hưởng 4.700 tỷ đồng. Trong số tiền trên, Phan Sào Nam được hưởng gần 1.500 tỷ đồng, Nguyễn Văn Dương bỏ túi hơn 1.650 tỷ đồng, nhóm cùng lập ra và điều hành đường dây khác là Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) được chia hơn 1.570 tỷ đồng.
Với Nguyễn Văn Dương, cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên hai sổ tiết kiệm với số tiền 150 tỷ đồng, tạm giữ khi khám xét 95 triệu đồng cùng một số ngoại tệ... Theo đề nghị của Nguyễn Văn Dương, vợ anh ta đã tự nguyện nộp cho cơ quan an ninh điều tra hơn 4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Nguyễn Văn Dương tự nguyện bán trụ sở công ty CNC nộp 61 tỷ đồng. Nhà chức trách tạm giữ bốn ôtô, phong tỏa hơn 8 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Nguyễn Văn Dương bị cáo buộc là người giữ vai trò cầm đầu trong nhóm đối tượng vận hành game bài tổ chức đánh bạc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bản án sơ thẩm tuyên phạt anh ta 10 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền.
Với Phan Sào Nam, cơ quan điều tra đang tạm giữ hơn 800 tỷ đồng, phong tỏa 77 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng, kê biên hai nhà, trị giá theo hợp đồng 12,4 tỷ đồng; phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ, trị giá 139 tỷ đồng, tạm giữ năm ôtô. Tính đến khi xét xử sơ thẩm tổng số tiền, tài sản Nam đồng ý dùng khắc phục hậu quả lên tới hơn 1.300 tỷ đồng. Phan Sào Nam bị phạt 5 năm tù.
Tuy nhiên, VKS cho rằng cả Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đều không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự nguyện khắc phục hậu quả".
Trong 92 người bị xét xử sơ thẩm, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm, cựu cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù cùng về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài Nam và Dương, 88 bị cáo còn lại nhận hình phạt thấp nhất là 40 triệu đồng, cao nhất là 3 năm 6 tháng tù về các tội: Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.
Sau phiên toà, bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam và 52 người không chống án.
Bảo Hà-Phạm Dự