Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bắc Ninh: Cho mượn ‘sổ đỏ’, biến thành con nợ

Bắc Ninh: Cho mượn ‘sổ đỏ’, biến thành con nợ
Do đã cả tin, một số người dân đã uỷ quyền cho vài đối tượng sử dụng “sổ đỏ” của mình để đi vay giúp tiền ngân hàng. Tiền thì chưa nhận được nhưng những người dân thật thà lại bỗng nhiên trở thành con nợ của ngân hàng mà không hề biết căn nguyên sự việc.

Theo trình bày của anh Nguyễn Phú Long, sáng ngày 10/8/2011, vợ chồng Trần Đình Toan và vợ là Phạm Thị Thu Thủy đến nhà anh Long tại thôn Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bác Ninh đề nghị mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Khi nghe vợ chồng Toan Thủy kể hoàn cảnh khó khăn, muốn mở xưởng thiếc ở Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) để khắc phục kinh tế, vợ chồng anh Long vốn rất thương các em, nghĩ dù sao thì cũng là con cô con bác nên đồng ý cho mượn sổ đỏ trên thửa đất số 133, tờ bản đổ số 80, tại khu phố Hồ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích là 90m2.

Bắc Ninh: Cho mượn ‘sổ đỏ’, biến thành con nợ
Ngôi nhà của vợ chồng anh Nguyễn Phú Long và chị Nguyễn Thị Hà.

Không dừng lại ở đây, biết được lòng tốt của anh chị nên vợ chồng Toan Thủy đã khẩn thiết van nài khóc lóc: “Nếu anh chị cho vợ chồng em mượn một sổ thì không đủ tiền để làm ăn, anh chị cho em mượn hai sổ mới đủ vay để làm kinh tế, em hứa sau này vay được ngân hàng sẽ trả đủ gốc lẫn lãi, em không để anh chị phải mất nhà đâu”. 

Với bản tính thật thà, tin người nên anh chị Long Hà mang thêm sổ ở thửa đất số 132, tờ bản đồ số 80 có tổng diện tích 90m2 tại thị trấn Hồ Thuận Thành, Bắc Ninh cho mượn. Ngay lập tức Toan, Thủy đưa ngay anh chị Long, Hà lên phòng công chứng số 2 thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để làm hợp đồng công chứng. Sau khi hoàn tất thủ tục, anh Long chị Hà không được nhận bất cứ loại giấy tờ nào để lưu trữ.

Ngày 10/8/2011, Toan đã viết giấy mượn “sổ đỏ” của anh Long đồng thời đề nghị anh Long ký một số giấy tờ do một người được giới thiệu là “cán bộ ngân hàng” đưa ra. Vì cả tin anh, anh Long đã ký các giấy tờ này dù không biết chúng mang nội dung gì.

Sau đó Toan tiếp tục “nhờ” anh Long làm thủ tục sang tên “sổ đỏ” cho Toan “để vay được nhiều tiền hơn” như lời Toan nói. Do không hiểu biết pháp luật nên anh Long đã làm theo “lời nhờ vả” này. Vì đã có giấy cam kết mượn “sổ đỏ” của Toan  rồi nên anh Long rất yên tâm. 

Trần Đình Toan và Phạm Thị Thu Thủy đem giấy tờ đã công chứng này đem vay vốn tại ngân hàng Á Châu ACB, thế chấp 180m2 đất ở của hai thửa đất gia đình anh Long để vay tiền với tổng số tiền là 1,550 triệu đồng tại Ngân hàng Á Châu ACB, thời hạn vay vốn là 5 năm.

Theo thỏa thuận, hàng tháng Toan, Thủy có trách nhiệm trả tiền lãi cho ngân hàng. Trên thực tế, số tiền vay được chính bản thân anh Nguyễn Phú Long cũng không biết và cũng không được sử dụng. Kể từ ngày vay được tiền của ngân hàng ACB thì vợ chồng Trần Đình toan và Phạm Thị Thu Thủy cũng “biệt vô âm tín” không còn liên lạc gì được nữa.

Năm 2013 khi khoản vay 1.550 triệu của vợ chồng Trần Đình Toan và Phạm Thị Thu Thủy không có khả năng trả lãi hàng tháng. Anh Long liên lạc nhiều lần thì “im hơi lặng tiếng”. Thậm chí cán bộ ngân hàng ACB xuống nhà còn không gặp được nên ngân hàng ACB đã thông báo về cho vợ chồng anh Nguyễn Phú Long và chị Nguyễn Thị Hà. Lúc này anh Long chị Hà mới bất ngờ, bàng hoàng khi nghĩ đến cảnh nhà mình sẽ bị phía ngân hàng phát mại. 

Bắc Ninh: Cho mượn ‘sổ đỏ’, biến thành con nợ

Năm 2014, ngân hàng ACB khởi kiện Trần Đình Toan và Phạm Thị Thu Thủy ra tòa án và đồng thời mời những người có liên quan đến làm việc. Phiên tòa đã lập biên bản hòa giải với mục đích giãn nợ cho Trần Đình Toan và Phạm Thị Thu Thủy để có thêm thời gian trả nợ. Biên bản này vợ chồng anh Nguyễn Phú Long và chị Nguyễn Thị Hà cũng không được giữ văn bản nào.

Ngày 15/1/2018, Cục thi hành án Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đến thông báo bán tài sản đã kê biên mà gia đình anh Long đang sinh sống. Theo như hợp đồng bán đấu giá tài sản số 161/2007/HĐ – BĐGTS lập ngày 20/6/2017, Công ty cổ phần đấu giá Kinh Bắc bán đấu giá tài sản đã kê biên và có thông báo đấu giá số 18/2018/TB – DKB ngày 10/1/2018 gửi cho Chi cục thi hành án dân sự huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.

Điều đáng nói, khi Cục thi hành án xuống kê biên tài sản tại thửa đất số 132 - 133, tờ bản đồ số 80 có tổng diện tích 180m2 tại thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh thì vợ chồng anh Nguyễn Phú Long và chị Nguyễn Thị Hà đang ở Hà Nội. Khoảng 7h sáng ngày 9/5/2017, Cục thi hành án đã gọi điện thông báo với chị Hà là 8h sẽ vào nhà để kê biên tài sản thì chị Hà có nói: “Phải hơn 1h đồng hồ nữa chúng em mới về đến nhà”. Thế nhưng đến 8h, khi vợ chồng anh Long chị Hà còn chưa về kịp thì Cục thi hành án đã “tự ý” phá khóa cửa để vào nhà đọc thông báo kê biên (!?).

Sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng khi anh Long và chị Hà đi tìm vợ chồng Trần Đình Toan để “hỏi cho ra nhẽ” thì mới “ngã ngửa” khi biết vợ chồng Toan Thủy vắng mặt tại địa phương đã lâu.

Theo như trình bày của anh Long với PV PhapluatNet, không những chỉ lừa mượn mảnh đất của gia đình anh, Trần Đình Toan còn mượn thêm “sổ đỏ” của nhiều gia đình khác và đến nay chưa trả. Như vậy toàn bộ nhà cửa mà vợ chồng anh Long đã tích cóp làm lụng bao nhiêu năm đã bị Trần Đình Toan lừa mất trắng.

Trao đổi với PV PhapluatNet, Luật sư Thảo thuộc đoàn TP. Hà Nội cho biết: Vợ chồng anh Long đã đến văn phòng công chứng và ký vào văn bản chuyển nhượng nhà đất của mình cho vợ chồng Toan Thủy, như vậy là hoàn toàn đúng trình tự của pháp luật.  
Bình luận về “giấy cam kết mượn sổ đỏ” mà Toan đã viết cho anh Long, Luật sư Thảo nói: “Giấy cam kết mượn “sổ đỏ” này hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì sau khi làm thủ tục chuyển nhượng, mảnh đất ấy đã hoàn toàn thuộc sở hữu của anh Toan và anh Toan có quyền quyết định với mảnh đất đó.
Luật sư Thảo cũng cho biết thêm: “Trong thời gian vừa qua, việc “mượn” sổ đỏ, ủy quyền liên quan đến sổ đỏ, dùng sổ đỏ bảo lãnh cho người khác vay vốn rồi bị mất nhà đất... xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Nguyên nhân chính là do người có sổ đỏ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật nên dễ bị các đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng”. 
Về hướng giải quyết của vụ việc, Luật sư Thảo nhận định: “Ở đây, nếu anh Long chứng minh được việc giữa anh và anh Toan có thỏa thuận chuyển nhượng nhà đất cho Toan để Toan vay tiền chứ không được phép sang tên cho người khác thì vụ việc có dấu hiệu của hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt”. 
Luật sư Thảo nhấn mạnh, nếu vợ chồng anh Long có đủ căn cứ chứng minh các đối tượng liên quan đã có hành vi gian dối, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của gia đình anh thì anh Long có quyền gửi đơn đến cơ quan công an nhờ can thiệp, truy cứu trách nhiệm hình sự của các đối tượng và bảo vệ quyền lợi cho mình. “Ở góc độ khác, đây cũng là bài học cho mọi người đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để chiếm đoạt tài sản đất và gắn liền với đất”, Luật sư Thảo nói.
Đằng sau việc ký cam kết cho "mượn" sổ đỏ để vay tiền cùng với việc làm thủ tục chuyển nhượng này là gì? Ðề nghị cơ quan công an và chính quyền huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vào cuộc để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng nếu có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.                                                                                                                                                                                                                                                

PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.

Hà Linh                    

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.18219 sec| 658.594 kb