Được biết, chị P.H.L (46 tuổi, ở Láng Hạ, Hà Nội) là mẹ bệnh nhân bệnh nhân N.Q.V (sinh năm 1995) xác nhận nội dung trên MXH là của mình. Chị kể, bệnh nhân N.Q.V (sinh năm 1995, con trai chị) ở nhà bị sốt cao 38,5 độ và hơi sưng hạch ở góc hàm, chị đưa con vào Bệnh viện Nhiệt Đới khám. Tại Bệnh viện Nhiệt đới, V. điều trị được 1 ngày thì đỡ sốt và giảm sưng.
Chị chia sẻ: “Tôi - Người mẹ đau lòng, cứ âm thầm chăm sóc cậu con trai, hơn 1 tháng trời từ khi con tôi bị bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai mổ nhầm. Tôi nhớ như in cái ngày định mệnh đó, ngày 26/5/2019, con trai tôi bị sốt 38,5 độ, tôi đưa con vào bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương khám bệnh, bác sĩ cho con nằm điều trị tại khoa nhiễm khuẩn tổng hợp, bác sĩ Nguyễn Thùy Dung trực tiếp điều trị.
Sau 1 ngày con hết sốt, tôi thấy bệnh tình con thuyên giảm tôi rất vui mừng. Nhưng ngày 28/5/2019 bác sĩ Nguyễn Thùy Dung chuẩn đoán con bị viêm hạch cần phải mổ gấp, cậu con trai van xin bác sĩ và mẹ mình "con không nghiêm trọng vậy đâu, con thấy con khoẻ rùi, con hết sốt rùi, mai mẹ xin cho con ra viện", bác sĩ thì nói "cậu phải nghiêm túc tuân thủ chỉ định của tôi".
Tôi chỉ biết động viên con trai, con đã vào bệnh viện là phải tin tưởng bác sĩ con ạ. Thế là con trai tôi được cô hộ lý dẫn đường sang khoa ngoại bệnh viện Bạch Mai mổ luôn. Bác sĩ Hoàng Tuấn Việt thực hiện ca mổ hạch cho con tôi mà ko cần siêu âm và chụp chiếu lại cho chính xác. Tôi ngồi chờ ngoài phòng mổ mà lòng như lửa đốt.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ, bác sĩ ra cửa thông báo, bác sĩ đã mổ và tìm rất kỹ rồi nhưng con không có hạch, chị ra ngoài thu ngân để được hoàn lại tiền mổ, chỉ phải thu tiền khâu vết mổ thôi. Tôi vào bàn mổ đón con ra mà con không tự ngồi dậy được, tôi phải nhờ một bác trai khoẻ mạnh bế con vào xe lăn.
Do bác sĩ đào tìm hạch quá sâu, tiêm thuốc tê thêm 3 lần trong khi mổ, cố đào bới tìm kiếm kiếm hạch, con bị tổn thương dây thần kinh, mạch máu, thanh quản. Thế là con tôi từ lợn lành thành lợn què, lúc đi mổ thì còn khoẻ mạnh đi bộ, lúc về còn ngồi xe lăn, từ lúc mổ xong con bị sốt cao 39,5 độ, con không nói được, không cử động cổ được, con không ăn được gì, phải dùng ống hút, hút nước cháo loãng và sữa.
Tôi quá ân hận vì mình ngu si, không có chút hiểu biết gì về y khoa, thời gian trôi qua hơn 1 tháng rồi, hiện tại còn bị tê bì, mất hết cảm giác một bên đầu, cổ con không quay được, con phát âm bị méo tiếng. Tôi gửi đơn khiếu nại tới giám đốc 2 bệnh viện, tôi nhận được lời xin lỗi suông rằng bác sĩ bị nhầm.
Chỉ một từ nhầm của các bác sĩ, khiến con tôi tổn thương sức khoẻ nặng nề, con gầy gần 10kg, vì ko ăn được gì. Tìm hiểu thêm tôi được biết người mổ cho con tôi không phải là bác sĩ Hoàng Tuấn Việt như ghi trong giấy mổ, mà là bác sĩ tên Nguyên. Cay đắng, căm phẫn đến trào máu khi các bác sĩ chuẩn đoán và mổ nhầm cho con. Di chứng để lại cho con sau này như thế nào, con có bình phục được không, trách nhiệm thuộc về ai trong vụ việc mổ nhầm này vẫn đang còn là ẩn số chưa được sáng tỏ, tôi phải làm gì để đòi lại sự công bằng cho con trai”.
Sau khi V. hết sốt thì BS siêu âm thấy V. có hạch, bác sĩ khuyến cáo tình trạng nguy hiểm nên mổ gấp. Nhưng Bệnh viện Nhiệt Đới không có khoa ngoại nên bác sĩ cho chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai để mổ.
Chị L. chia sẻ, khi con chị được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai không hề được siêu âm hay làm xét nghiệm gì mà mổ luôn, sau khi mổ thì kết quả không có hạch. Bên cạnh đó, theo quy trình, khi chuyển viện thì các bác sĩ phải làm lại các xét nghiệm trước khi phẫu thuật.
Chị L. cho rằng, do bị mổ sai nên hiện nay con chị bị tổn thương không thể quay được đầu, mất cảm giác vùng bên cổ bị mổ, tiếng nói nhỏ và bị méo tiếng. Chị đã cho con đi khám nhưng bác sĩ cũng không xác định được là con chị có phục hồi được hay không.
Sáng 6/7, người nhà bệnh nhân cho biết: “Phía Bệnh viện Bạch Mai cũng đã hẹn làm việc với gia đình để khắc phục lỗi của họ”.
Liên quan đến sự việc trên, GS.BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương cho biết, bệnh nhân vào viện tình trạng sốt trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán sốt vi rút. Bác sĩ Dung chỉ là bác sĩ điều trị nội khoa, khi bệnh nhân sốt cao có nổi hạch đã chỉ định bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai xử lý.
Ông Kính khẳng định, bác sĩ Bệnh viện Nhiệt Đới chỉ đưa ra phán đoán, bệnh nhân trước khi mổ Khoa Ngoại phải khám lại.
GS. BS Kính cho biết: "Ví dụ giống như tuyến dưới chẩn đoán đưa lên tuyến trên thì tuyến trên phải chẩn đoán lại chứ. Theo tôi, Bệnh viện Bạch Mai nên đi giải thích với người nhà bệnh nhân để cho người ta hiểu".
Như vậy, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới đã khẳng định, theo quy trình, khi chuyển viện thì các bác sĩ tuyến trên phải làm lại các xét nghiệm trước khi phẫu thuật.
Sáng ngày 6/7, PV liên hệ với TS. Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai. TS. Hùng cho biết cũng đã nắm được thông tin, hiện tại sẽ kiểm tra và yêu cầu dưới khoa báo cáo lên. Sau khi có kết quả sẽ thông tin lại cho báo chí.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.