Để chuẩn bị cho việc này, ngày 19/1, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình môn học mới với thời hạn 2 tháng để lấy ý kiến đóng góp.
Theo nội dung Dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) bao gồm chương trình GDPT tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Cụ thể, chương trình GDPT tổng thể sẽ xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình môn học có 20 môn/hoạt động giáo dục, trong đó có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12: Tiếng Việt/Ngữ Văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Theo Ban Phát triển các chương trình môn học (thuộc Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT của Bộ GD&ĐT), chương trình GDPT mới có 4 đặc điểm khác biệt so với chương trình hiện hành.
Thứ nhất, đây là chương trình phát triển toàn diện phẩm chất năng lực của người học, nên trước hết những người làm chương trình phải phân giải được năng lực chuyên môn của từng môn học là cái gì để từ đó xác định mức độ học sinh cần đạt ở mỗi lớp, mỗi cấp học.
Thứ hai, tính phân hóa rõ rệt hơn so với chương trình hiện hành. Có thể nói sự phân hóa đã được thực hiện ngay từ tiểu học.
Thứ ba, tính tích hợp cao.
Thứ tư, tăng cường tính thiết thực, tính thực hành.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới cho biết, chương trình môn học mới được dự kiến sẽ ban hành vào tháng 4/2018.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng chương trình mới đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT thừa nhận tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành CT GDPT mới chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, thời gian thực tế cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến.
Bên cạnh việc công bố dự thảo chương trình môn học mới, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố lộ trình thực hiện chương trình mới từ nay đến năm 2024.
Theo đó, thời gian này sẽ tập trung vào công tác hoàn thiện dự thảo và lấy ý kiến góp ý thông qua đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT, tổ chức các hội thảo và gửi xin ý kiến chuyên gia; tổ chức thực nghiệm; tập huấn cho người tham gia thẩm định các chương trình môn học; tổ chức thẩm định, chỉnh sửa và ban hành chính thức.
Bộ GD&ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022, cụ thể:
- Năm học 2019 - 2020: lớp 1;
- Năm học 2020 - 2021: lớp 2 và lớp 6;
- Năm học 2021 - 2022: lớp 3, lớp 7 và lớp 10;
- Năm học 2022 - 2023: lớp 4, lớp 8 và lớp 11;
- Năm học 2023 - 2024: lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Trong thời gian chưa triển khai trên phạm vi toàn quốc, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó giúp cho học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới được thuận lợi.
P.V (Tổng hợp)