Chiều ngày 14/8, trả lời VTC News, ông Vũ Tuấn Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, sau khi trình xin ý kiến, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã đồng ý với đề xuất đặt mua vaccine COVID-19 của Nga.
“Bộ đang hoàn tất các văn bản để trình xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc này”, ông Cường nói.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế, cho biết công ty ông chưa dự định đặt mua vaccine Covid-19 của Nga. Theo ông, cần hiểu loại vaccine đó như thế nào rồi mới có thể đưa ra quyết định nhập khẩu hay không.
"Quốc gia nào có vaccine thì chúng tôi đều tiếp cận. Khi nghiên cứu vaccine được công bố rộng rãi trên thế giới, kết quả tốt, chúng tôi mới tính đến các bước tiếp theo trong nhập khẩu và đăng ký lưu hành tại Việt Nam", ông Đạt nói.
Theo đại diện Bộ Y tế, việc sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu và sản xuất. Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị gửi 2 lô vaccine của Công ty vaccine và sinh phẩm Nha Trang; Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 sang Mỹ để thử nghiệm.
Trước đó, ngày 11/8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine Covid-19 dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm ba. Vaccine được đặt tên là "Sputnik V", theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới "Sputnik 1" được Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1957.
Các nhà khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn" dưới áp lực từ chính quyền.
Tuy nhiên, chính một trong hai con gái của Thủ tướng Nga đã được tiêm vaccine và thấy hoàn toàn khỏe mạnh.
Bộ Y tế Nga nói việc tiêm chủng hàng loạt có thể bắt đầu vào tháng 10. Tất cả người tham gia đều phát triển khả năng miễn dịch. Nhóm đầu tiên xuất viện ngày 15/7 và nhóm thứ hai vào ngày 20/7.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế LB Nga, bộ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 cho vaccine phòng ngừa COVID-19, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển.
Thông cáo báo chí khẳng định kết quả thử nghiệm đã cho thấy vaccine phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến 2 năm. Việc bào chế loại vaccine này sẽ được thực hiện tại hai cơ sở ở Nga gồm Viện Gamaleya và Công ty Binnopharm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liên lạc với các nhà khoa học và cơ quan chức năng của Nga, đề nghị được "xem xét chi tiết về các thử nghiệm" loại vaccine Covid-19 vừa đăng ký tại nước này.
"WHO hoan nghênh tất cả những tiến bộ trong nghiên cứu và phát triển vắc xin Covid-19. Ở cấp độ toàn cầu, WHO đã tham gia vào việc hướng dẫn và đẩy nhanh các nỗ lực nghiên cứu phát triển kể từ tháng 1/2020", đại diện của WHO cho biết.