Liên quan vụ gian lận sửa điểm thi THPT tại Hòa Bình, ngày 3/8/2018, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã tiếp nhận vụ án và ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Chuyên viên phòng Khảo thí sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, ngày 21 và 22/7, Hội đồng chấm thẩm định của bộ GD&ĐT về Hòa Bình làm việc. Bộ GD&ĐT đã rút toàn bộ số bài từ 8 điểm trở lên để chấm lại. Ngày 23/7, kết quả chấm thẩm định cho thấy, 100% bài thi giống điểm đã công bố ngày 11/7.
Dư luận băn khoăn, vì sao tổ công tác chấm thẩm định của bộ GD&ĐT không phát hiện dấu hiệu vi phạm sửa điểm thi THPT ở Hòa Bình. Đến khi cơ quan công an vào cuộc đã phát hiện sai phạm nghiêm trọng.
Xung quanh vấn đề tiêu cực điểm thi ở Hòa Bình, trao đổi với PV, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược bộ Công an cho rằng: “Việc một số cán bộ của bộ GD&ĐT về kiểm tra không phát hiện sai phạm nhưng sau đó cơ quan công an lại phát hiện ra, bộ GD&ĐT cần kiểm tra lại chuyện này. Có 2 khả năng sẽ xảy ra.
Thứ nhất là những người này non kém về nghiệp vụ, không có trình độ thì phải đưa ra khỏi biên chế. Giai đoạn này đang đúng giai đoạn giảm biên chế, phải làm nghiêm.
Thứ hai, nếu những người này có trình độ nhưng do phẩm chất kém thì phải xử lý kỷ luật. Thậm chí nếu tìm ra yếu tố phạm tội thì phải đưa ra xử lý hình sự.
Việc này phải xử lý nghiêm như vậy mới được. Đề nghị Bộ trưởng bộ GD&ĐT phải làm đến nơi, đến chốn. Sau một thời gian, Bộ trưởng phải trả lời trước dân về kết quả kiểm tra, xử lý các cán bộ này như thế nào, phải làm rõ”.
Về một số ý kiến cho rằng, nên để cơ quan khác tiến hành thanh tra, kiểm tra kết quả chấm thi tại một số địa phương nhằm khách quan hơn, Thiếu tướng Lê Văn Cương nêu quan điểm: “Tôi nghĩ rằng, không phải vì thế mà không để bộ GD&ĐT đi giám sát, kiểm tra cấp dưới. Về nguyên tắc tổ chức, cấp trên kiểm tra cấp dưới là điều bình thường.
Còn những việc nào bộ GD&ĐT không làm được thì có thể đề nghị lực lượng an ninh hoặc các cơ quan chức năng khác làm, đó lại là chuyện khác”.
Thiếu tướng Cương nói thêm: “Qua những vụ việc sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, tôi nghĩ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần kiểm tra lại toàn bộ quy chế học hành, thi cử của hệ thống trường phổ thông.
Những địa phương nào còn dấu hiệu nghi vấn điểm thi THPT Quốc gia 2018 thì cần tiếp tục làm rõ, làm đến cùng, công bố công khai cho người dân biết”.
“Quan điểm của tôi là nên thay đổi phương thức chấm thi. Ví dụ, hội đồng thi của tỉnh A lựa chọn những cán bộ xuất sắc và tin cậy nhất đến phụ trách coi thi, chấm thi của tỉnh B. Tỉnh B lại đến tỉnh C phụ trách việc thi cử cho khách quan… Cả nước vẫn chỉ chung 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tôi nghĩ rằng như thế sẽ bớt tiêu cực. Còn việc chuyển toàn bộ dữ liệu bài thi của các tỉnh bằng cáp quang về Bộ chấm thì đến 1 lúc nào đó Bộ cũng sẽ quá tải, không làm nổi đâu! Vấn đề là hội đồng thi thế nào thôi”, vị Tướng chia sẻ.
Chí Công