Theo đó, trong một eamil gửi nhân viên Ngân hàng Thế giới (WB), ông Jim Yong Kim cho biết sẽ rời chức chủ tịch ngày 1/2, để gia nhập một công ty tư nhân trong lĩnh vực đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển. WB hiện là tổ chức cho vay và tài trợ lớn nhất thế giới với các nước nghèo và thu nhập trung bình.
"Cơ hội gia nhập lĩnh vực tư nhân đến rất bất ngờ. Nhưng tôi đã quyết định đây là con đường mình có thể đi, để tạo ra ảnh hưởng lớn hơn lên các vấn đề lớn trên toàn cầu, như biến đổi khí hậu và thiếu hụt cơ sở hạ tầng tại các thị trường mới nổi", ông viết. Quyết định của ông Kim được cho là có liên quan tới các bất đồng về biến đổi khí hậu và nhu cầu bổ sung các nguồn lực phát triển với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Kim được cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama đề cử vào chức vụ này từ năm 2012. Đến năm 2022, ông mới kết thúc nhiệm kỳ thứ 2. Sau khi ông rời đi, Kristalina Georgieva – Giám đốc điều hành WB sẽ làm chủ tịch tạm quyền.
Ông Kim bất đồng với chính quyền Tổng thống Mỹ - Donald Trump về vấn đề biến đổi khí hậu và nhu cầu tài nguyên cho phát triển. Tuy nhiên, Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết đây là quyết định cá nhân và không chịu tác động từ chính quyền Trump. Dù vậy, ông Trump sẽ có quyền lực lớn trong việc chọn người kế nhiệm ông Kim, do Mỹ nắm cổ phần kiểm soát tại WB.
Việc đề cử sẽ không hề dễ dàng. Mark Sobel – cựu lãnh đạo tại Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng khả năng các nước mới nổi lớn như Brazil hay Trung Quốc tạo ra thách thức là khá cao. Các nước này đang đấu tranh để có ảnh hưởng lớn hơn trong các cơ chế đa phương, nhằm cân xứng với tầm ảnh hưởng kinh tế của họ.
Sau khi nhận được đề cử, Hội đồng của WB vẫn cần họp để ra quyết định cuối cùng. Vì vậy, một ứng cử viên ôn hòa sẽ có khả năng cao được chấp thuận, Sobel cho biết.
H.A (TH)