Phải rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn
Mới đây, bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung Ương) cho biết, virus cúm lây truyền từ người này sang người khác nhờ những giọt nhỏ bắn ra khi một người bị cúm ho hoặc hắt hơi. Một số trường hợp, virus cúm có thể lan truyền khi tay một người tiếp xúc với các đồ vật hoặc bị nhiễm bẩn sau đó, tay tiếp xúc với miệng và mũi.
Bác sĩ Trần Vũ Quang cũng đưa ra một ví dụ khá cụ thể về đường lây nhiễm của Corona virus: Ông A bị bệnh viêm phổi Vũ Hán. Ông ho, hắt hơi (nhảy mũi), làm văng nước mũi, nước miếng có chứa virus vào tay ông. Ông cầm tiền đưa cho người nhà B đi mua cho ông ổ bánh mì. Virus ở tay ông A dính vào tờ tiền và dính vào tay người B. Người B đưa tờ tiền dính virus đưa cho người C bán bánh mì.
Người C bán bánh mì cho người D và dùng tiền dính virus thối lại (trả lại) cho người D. Người D về nhà tay cầm trực tiếp ổ bánh mì để ăn. Thế là D nuốt con virus từ ông A truyền qua người B, C truyền cho D. Còn nhiều cách khác lây nhiễm virus qua tay bẩn.
Khi tay chúng ta cầm nắm các đồ dùng chung như tiền, tay nắm cửa, chỗ vịn tay trên xe, ly tách, chén bát, đũa muỗng thìa chung chạ ở quán ăn, quán giải khát... rồi trực tiếp cầm nắm đồ ăn như ổ bánh mì, múi cam chanh, lát dưa hấu sau đó đưa vào miệng thì ta cũng đưa virus vào miệng theo.
Virus từ mắt, mũi, miệng đều đi vào họng. Họng là ngã 5 "quốc tế" thông với mắt mũi miệng ở phía trên và thông với đường thở (thanh khí quản) và đường ăn uống (thực quản) ở phía dưới.
Từ họng, một số con virus sẽ đi xuống dạ dày, không chịu được pH môi trường toàn acid của dạ dạy và môi trường kiềm (base) của ruột thì chúng sẽ chết (nhưng một số virus và vi khuẩn lại sống sót và gây bệnh cho dạ dày, ruột và các nội tạng khác). Nếu virus hô hấp mà sống sót lọt qua môi trường có pH và quá kiềm như vậy thì nó cũng không gây bệnh được vì các tế bào đường tiêu hoá không có các thụ thể (receptor) cho nó bám vào.
Những con virus từ họng đi xuống đường thở gồm cuống phổi lớn nhỏ (phế quản, các nhánh tiểu phế quản và các phế nang của phổi). Các tế bào ở đây có sẵn thụ thể đặc hiệu để virus bám và chui vào tàn phá các tế bào, tàn phá các lá phổi gây viêm phổi và dẫn đến tử vong.
Vậy con virus và vi khuẩn gây bệnh như cúm, sởi, quai bị, Rubella, SARS, Corona, bạch hầu, ho gà, lao, .....là những virus và vi khuẩn lây qua đường hô hấp nhưng cũng lây theo đường tiêu hoá như ví dụ trên và lây theo đường tiêu hoá có khi quan trọng và dễ dàng hơn đường hô hấp.
Vì vậy đối với các bệnh lây qua đường hô hấp, Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng khẩu trang và nhấn mạnh rửa tay...rửa tay.....và rửa tay đúng cách trước khi cầm nắm thức ăn hay dụng cụ đưa vào mũi miệng và không lấy tay hay khăn bẩn lau mắt.
Thường thì chúng ta khi rửa tay chỉ chà xà bông và nước, chà 2 lòng bàn tay và 2 lưng bàn tay. Chúng ta hay quên chà cạnh hai bên và đầu các ngón tay. Rửa tay đúng bao gồm các bước như hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và được Bộ Y Tế Việt Nam cho in ra và dán ở các cơ sở y tế.
Sau khi xả nước, chà xà bông thì ta:
Chà 2 lòng bàn tay với nhau
Dùng lòng bàn tay này chà lưng bàn tay kia rồi đổi bên
Đan các ngón của 2 bàn tay lại chà cho kỹ
Chụm các ngón tay lại chà lên lòng bàn tay kia rồi đổi bên
Chà lưng các ngón tay lên lòng bàn tay kia rồi đổi bên
Chà kỹ 2 ngón cái
Khẩu trang chỉ dùng một lần rồi bỏ
Không chỉ rửa tay đúng cách, mà bác sĩ Trần Vũ Quang còn cho rằng, việc đeo khẩu trang cũng vô cùng quan trọng và người dân cần chú ý: Không chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang. Khẩu trang chỉ dùng 1 lần rồi bỏ, khi bỏ hãy cho vào túi nylon bọc kín trước khi vứt vào thùng rác hay đem đốt.
Khi dùng hãy để cho màu xanh đậm của khẩu trang hướng ra ngoài và các nếp gấp hướng xuống dưới. Trước khi đeo phải kéo dãn các nếp gấp, bóp nhẹ thanh nẹp mũi ở phía trên để khẩu trang có thể ôm khít vào song mũi và kiểm tra lại xem 4 mép của khẩu trang đã kín cả miệng và cằm chưa nhé.
Việc đeo khẩu trang bất kỳ loại nào trong một thời gian dài cũng không tốt vì khi đó chúng ta bịt kín mũi miệng. Khi thở ra chúng ta thở khí CO2 vào khẩu trang, ngay lập tức chúng ta hít lại lượng thán khí ấy thay vì hít vào dưỡng khí oxy.