Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Cớ sao đổ thừa cho 'xe điên'?

 Cớ sao đổ thừa cho 'xe điên'?
Khi những đường dây tổ chức thi "chống trượt" bằng lái xe ở Hà Nội mà ở đó người ta thi lái xe bằng tiền được phanh phui thì có thêm một lý giải xác đáng nữa cho những cú đâm khó hiểu của “xe điên”.

Mỗi ngày qua đi có quá nhiều tin tai nạn giao thông khiến người đọc không khỏi rùng mình kinh sợ. Có vô vàn lý do gây nên những vụ tai nạn đáng sợ ấy.

Có những lý do nói ra còn tạm có thể hiểu được như đường xấu, xe cũ, thời tiết…Nhưng có những trường hợp đau lòng vụ việc xảy ra rồi mà người ta vẫn ngơ ngác không hiểu sao xe mới, đường tốt, thời tiết đẹp mà xe vẫn cứ lao lên vỉa hè hay đột nhiên hung tợn đâm vào hàng loạt xe và nhất định chỉ chịu dừng lại khi đâm vào nhà hoặc gốc cây. Trong những trường hợp khó tin ấy, người ta thường gắn cho xe cái mác “xe điên”.

Xe vô tri vô giác vậy làm sao mà điên cho được, chỉ có người điều khiển mới…có vấn đề. Hẳn nhiên, ai cũng biết là vậy. Nhưng nếu như trước đây, đằng sau mỗi chiếc “xe điên”, người ta luôn nghĩ đến tình huống là những kẻ cầm lái trong người nồng nặc nồng độ cồn, hoặc những ông chồng đang giận vợ, hoặc những bà vợ đang “hận” chồng…

Tuy nhiên, kể từ khi những đường dây tổ chức thi "chống trượt" bằng lái xe ở Hà Nội mà ở đó người ta thi lái xe bằng tiền được phanh phui thì có thêm một lý giải xác đáng nữa cho những cú đâm khó hiểu của “xe điên”.

 Cớ sao đổ thừa cho 'xe điên'?
Hiện trường vụ "xe điên" gây tai nạn trong đêm ở Tp.HCM. 

Nếu thực sự đi học lái xe 6 tháng, theo đầy đủ các bài học thì không thể nào lần đầu tiên lái xe đã đạp nhầm chân ga gây tai nạn cho được. Nếu thực hành nhuần nhuyễn các bài giảng của thầy huấn luyện thì sao có chuyện mất lái đến mức cứ nhằm vào hàng loạt xe trên mà lao thẳng vào cho đến khi xe không thể chạy nổi nữa…

Bằng lái xe mà những khóa thi “chống trượt” mang đến không phải là giả nhưng về bản chất chẳng khác gì bằng giả. Mà trong những loại bằng giả, bằng lái xe giả là thứ đáng lo ngại nhất.

Người ta vẫn thường lên án bằng Ngoại ngữ, Tin học hay đại học… giả và gắn cho nó vô vàn tội danh nhưng thực ra nếu xét về mức độ nguy hiểm thì có gì thấm so với bằng lái xe giả.

Nếu sai một vài câu tiếng Anh, gõ nhầm phím trên thì cùng lúc cũng chỉ là hỏng việc nhưng sử dụng nhầm chức năng của xe, dùng còi thay xi nhan, rẽ trái bấm nhầm xi nhan phải, hay lẫn lộn giữa chân phanh và chân ga thì hoàn toàn có thể đã lấy đi mạng sống của không chỉ bản thân mà còn liên lụy đến nhiều người ngay tức khắc.   

Đây cũng chính là lý do mà các nước tiên tiến trên thế giới luôn đề cao quy trình kiểm soát việc cấp bằng lái xe.

Chẳng hạn ở Phần Lan, người học phải mất ít nhất là 2 năm mới có thể lấy được bằng lái hoàn toàn, không hạn chế. Để lấy được bằng, học viên phải tham dự các buổi học về trượt xe và các lớp lái xe ban đêm.

Tương tự, ở Pháp nếu muốn sở hữu một giấy phép lái xe chính thức, người học phải hoàn thành khóa huấn luyện thử thách ít nhất 2 năm tại đây, với tổng km đi được phải ít nhất 3.000 km.

Trong khoảng thời gian thử thách này, người lái cũng không được chạy xe quá tốc độ 110 km/h.

Bằng lái xe, hơn bất kỳ loại bằng nào cần phải được cấp theo quy trình đào tạo nghiêm ngặt nhất có thể. 

Vũ Thu Hương

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25394 sec| 633.969 kb