Trước đó, vào khoảng giữa năm 2016, nhiều bạn đọc tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, … liên tục gửi đơn thư tố cáo việc huy động vốn trái phép của TRV (lúc này còn tên gọi là Công ty cổ phần Thiên Rồng Việt).
Cụ thể, thời gian này TRV liên tục tổ chức hội thảo tại Nghệ An và Thanh Hoá để thu hút đầu tư tài chính và đưa ra các dự án như: “Tạo nguồn kinh phí tiêu dùng hàng ngày cho gia đình bạn”. TRV đã tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư tham gia góp vốn vào công ty này với các gói có giá trị từ 5 – 250 triệu đồng với lời hứa sẽ được hưởng lợi nhuận từ việc góp vốn trong vòng 100 ngày làm việc.
Cùng với đó, TRV còn sử dụng sơ đồ nhị phân để trả thưởng rất hậu hĩnh cho các nhà đầu tư. Đồng thời, sơ đồ này cũng được phía doanh nghiệp này quảng cáo rằng rất ưu việt và rất dễ dàng để phát triển hệ thống… Được biết, sơ đồ nhị phân thường được các công ty đa cấp sử dụng để trả thưởng cho nhà phân phối.
Chị L. (một nhà đầu tư tại Nghệ An) cho biết, chị đã tham gia góp vốn, đầu tư vào TRV với số tiền 150 triệu đồng. Mỗi ngày, chị L. sẽ được TRV trả hoa hồng theo ngày với số tiền là 2.100.000 đồng.
Tuy nhiên, ước mơ làm giàu không khó của chị L. sớm tan thành mây khói khi chỉ nhận được số tiền hoa hồng hơn 10 ngày, thì bất ngờ bị phía TRV ngưng và không thấy chuyển trả.
Sau đó, chị L. đã phải ngược xuôi từ Bắc vào Nam nhiều lần để đòi lại số tiền đã góp vốn cho TRV nhưng đáp lại chỉ là những lời hứa suông từ phía doanh nghiệp này.
Sau một thời gian dài im ắng, “an binh bất động” vào cuối tháng 12/2017 vừa qua, TRV chính thức “bung lụa” với chiêu thức huy động vốn mới với đồng tiền ảo VNCoins.
Theo lời quảng cáo của TRV: “VNCoins (VNC) được ứng dụng và giao dịch trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong thương mại điện tử, để đơn giản hoá việc thanh toán cũng như kiểm soát mức độ giao dịch...”
Cụ thể, TRV tự phát hành 2.500.000 VNC, được khởi động vào ngày 25/12/2017 với mức giá 1 VNC = 2,6 USD. Theo lộ trình, vào ngày 25/2/2018 TRV sẽ phát hành mức 2.500.000 VNC, lúc này giá 1 VNC sẽ tương đương khoảng 9 USD.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, việc kinh doanh tiền điện tử, tiền ảo vốn đã ẩn chứa nhiều rủi ro, song nó còn được mua bán theo dạng đa cấp nên lại càng nhiều nguy cơ. Hiện nay tiền ảo, tiền điện tử chưa được Ngân hàng Nhà nước công nhận, và cũng chưa có “định nghĩa” rõ ràng về loại tiền này. Các chế tài hiện hành, để xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh tiền ảo dưới hình thức đa cấp cũng chưa chặt chẽ. Do đó, đứng trước lợi nhuận càng cao, người dân lại càng phải tỉnh táo để tránh mắc vào bẫy lừa đảo.
Để làm rõ thông tin về việc hoạt động kinh doanh, kêu gọi đầu tư từ các cá nhân khách hàng của Công ty CP Đầu tư Thiên Rồng Việt, ngày 27/12, PV đã tìm đến trụ sở của công ty này để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua, dù đã rất nhiều lần điện thoại tới công ty nhưng PV vẫn chỉ nhận được câu trả lời từ bộ phận lễ tân rằng: “Sếp bên em đi vắng nên chưa sắp xếp được thời gian làm việc”.
Bộ Luật hình sự 2015 (Sửa đổi 2017) trong đó có quy định về hành vi cung cấp, phát hành và sử dụng tiền ảo là phương tiện than toán sẽ bị xử phạt hành chính hoặc ngồi tù đã có hiệu lực từ 1/1/2018. Với những quy định này, việc trao đổi và mua bán Bitcoin có thể sẽ không bị phạt nhưng những doanh nghiệp, tổ chức tự phát hành tiền ảo để gọi vốn đầu tư gây thiệt hại cho người tham gia sẽ nằm trong diện phạm pháp.
Thanh Sơn - Mạnh Đại