Khi rời khỏi cuộc hội đàm thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Triều Tiên đã không còn là một mối đe dọa hạt nhân và ông đã hầu như giải quyết xong một trong những cuộc khủng hoảng địa chính trị khó nhằn nhất thế giới.
Nhưng nhiều tuần đã trôi qua từ sau thượng đỉnh Singapore 12/6, các nhà ngoại giao Mỹ lại rơi vào tình thế bế tắc khi Triều Tiên sử dụng chiến thuật đàm phán trì hoãn khiến họ ngày càng bối rối.
Triều Tiên bị cho là hủy nhiều cuộc họp với giới chức Mỹ, không duy trì các liên lạc cơ bản, trong khi đó cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa vẫn còn nguyên vẹn. Giới tình báo Mỹ cho rằng, Triều Tiên có thể đang che giấu các khía cạnh chính của chương trình hạt nhân.
Điều này khiến ông Trump bắt đầu nổi giận và mất dần kiên nhẫn mặc dù trước công chúng ông vẫn ca ngợi thành công của các cuộc đàm phán. "Chúng tôi không đặt ra giới hạn về thời gian. Chúng tôi cũng không đặt ra giới hạn về tốc độ. Chúng tôi vừa mới thực thi tiến trình. Các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và diễn biến rất tốt", ông Trump nói với các phóng viên hồi tuần trước.
Ông chủ Nhà Trắng yêu cầu cấp dưới cập nhật tình trạng các cuộc đàm phán mỗi ngày. Cùng với sự tô vẽ của báo chí sau khi lãnh đạo Mỹ - Triều đạt được tuyên bố chung hôm 12/6, sự bế tắc trong thời gian gần đây trong đàm phán với Bình Nhưỡng khiến Tổng thống Trump chán nản.
"Thực tế phong cách đàm phán rất đặc trưng của Triều Tiên, vốn khiến người Mỹ không thể hiểu nổi, đã giáng một đòn mạnh vào ông Trump", Duyeon Kim, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm An ninh New American, nhận xét.
Nhiều quan chức an ninh và tình báo Mỹ từ lâu đã tỏ ra hoài nghi về những cam kết giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, Mỹ không có nhiều lựa chọn và giải pháp tốt nhất cho vấn đề Triều Tiên hiện nay là “xuống nước” ngoại giao.
Tuy nhiên, chuyên gia Duyeon cảnh báo: “Tôi lo ngại rằng ông Trump có thể mất kiên nhẫn với các cuộc đàm phán phức tạp và kéo dài với Triều Tiên và sẽ rút khỏi đàm phán, sau đó lại tính đến phương án quân sự. Đạt được một thỏa thuận hạt nhân mất rất nhiều thời gian, thực thi nó thậm chí còn khó khăn hơn”.
Hôm 18/5, Tổng thống Trump tuyên bố đạt được cam kết của Nga "giúp" giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nhưng tới hôm 20/7, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lại cáo buộc Nga cản trở nỗ lực siết chặt các biện pháp ngăn chặn hoạt động buôn lậu bất hợp pháp của Triều Tiên.
Tổng thống Trump cùng các cộng sự "chưa từ bỏ hoàn toàn" mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên nhưng đang ngày càng lo ngại trước thực tại khó khăn. Từ chỗ đưa ra những lời tuyên bố hùng hồn về thành công, Tổng thống Trump nay bắt đầu hạ giọng về vấn đề Triều Tiên. "Tôi không thực sự sốt sắng. Ý tôi là chuyện gì xảy ra rồi sẽ xảy ra", ông Trump nói với CBS.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm 12/6 tại Singapore. Tại đây, ông Kim Jong-un cam kết Triều Tiên sẽ giải trừ hạt nhân hoàn toàn để đổi lấy các đảm bảo an ninh từ Mỹ. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bình Nhưỡng tuyên bố quyết tâm giải trừ hạt nhân có thể lung lay vì những đòi hỏi đơn phương của Washington.
Vũ An (TH)