Cách đây hai năm, một clip có nội dung gây tranh cãi xoay quanh cảm xúc của một nhóm bạn trẻ về kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đã nhận được sự quan tâm lớn trên mạng xã hội.
Nhiều bài báo phê phán đoạn video này với tựa đề kiểu “sốc”, “choáng”, với clip học trò Huế chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia, ngay cả Giám đốc sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cũng nhìn nhận clip là "quá mức chấp nhận được”.
Trong khi đó một số người dùng mạng lại cho rằng đây chỉ là một clip hài vô thưởng vô phạt. Còn nhớ, một trong những phát biểu gây sốc nhất xuất hiện ở cuối clip là: “Đề thi năm nay vừa sức với giáo viên”…
Không biết những thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm nay đã xem qua clip kể trên chưa. Và nếu xem rồi, liệu các em có cười mỉm, cười ngoạc mang tai, cười sái quai hàm hay lại dè bỉu: “Đã đến đoạn buồn cười chưa thế?”.
Chỉ biết rằng, một số thí sinh (trong đó có người em họ của tôi) đã phải bật khóc theo nghĩa đen của từ sau khi bước ra khỏi phòng thi. Như báo chí đã phản ánh, có thầy giáo nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và luyện thi Toán bậc THPT đã sốc sau khi đọc đề Toán bởi 25 câu đầu khá dễ, còn lại ở mức khó và rất khó.
Thầy đặt câu hỏi trên tờ VnExpress: “Tôi mất 20 phút mới giải được một câu thì liệu học sinh khá giỏi có chắc làm xong trong vài phút?”. Cùng chung quan điểm, một giáo viên Toán tại TP.HCM cho rằng câu hỏi khó trong đề Toán vừa qua mang nhiều tính đánh đố, không kiểm tra được kỹ năng giải toán, suy luận của thí sinh.
Trong khi đó, chia sẻ với báo chí bên lề cuộc họp báo sau kỳ thi THPT quốc gia, Phó giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu lại khẳng định số câu hỏi khó đề thi đã được bộ Giáo dục thông tin rất sớm; đề thi các môn, trong đó có Toán đã bám sát cấu trúc với 60% dành cho việc xét tốt nghiệp, còn lại sẽ theo mức độ khó và rất khó để phân hóa thí sinh nhằm xét tuyển đại học, cao đẳng.
Liên hệ thông tin ông Hiếu cung cấp với đánh giá của các thầy giáo, chúng ta có nên lạc quan rằng: Học sinh thời nay rất giỏi, đến mức bộ phải ra nhiều câu khó, rất khó (đối với cả giáo viên) mới phân hoá được thí sinh?
Năm ngoái, dư luận cũng xôn xao vì những “cơn mưa điểm 10” trong kỳ thi THPT. Đến năm nay, có lẽ chúng ta phải chờ đợi kết quả thi mới biết được có hay không chuyện các thí sinh trung bình cùng xếp ngang hàng với các thí sinh khá, thậm chí giỏi vì đều phải dừng bước trước cùng một lượng câu hỏi.
Chỉ dám chắc một điều, những đề thi đánh đố, vừa sức với giáo viên khả năng cao sẽ trở thành “bệ phóng” cho những lớp luyện thi, học thêm hoạt động hết công suất, từ sáng sớm đến tận đêm khuya!
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả