Cụ thể, người dùng vẫn có thể mở các nền tảng này và thực hiện một số thao tác, nhìn chung họ gặp khó khăn khi gửi tin nhắn Messenger, WhatsApp hay đăng thông tin, bình luận, nhất là không thể chia sẻ ảnh, video... lên Facebook, Instagram... Thậm chí cả dịch vụ thực tế ảo Oculus VR cũng gặp trục trặc.
Theo công cụ DownDetector, hiện tượng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới từ châu Mỹ, châu Âu tới châu Á.
Sự cố lần này được đánh giá là kéo dài nhất và trên diện rộng nhất, khi đã hơn 8 giờ trôi qua nhưng nhiều người than phiền về việc không thể sử dụng Facebook. Theo BBC, lần gần nhất Facebook bị "sập" với quy mô rộng toàn cầu và lâu như thế này đã là từ năm 2008, nhưng khi đó họ chỉ có 150 triệu thành viên, còn hiện số người dùng Facebook hàng tháng lên tới 2,3 tỷ.
Chỉ khoảng một giờ sau khi người dùng phản ánh, Facebook đã lên tiếng thông qua Twitter, khẳng định "vấn đề không liên quan tới tấn công từ chối dịch vụ DDoS" và đang nỗ lực khắc phục sớm nhất có thể.
Trong khi đó, người dùng đăng nhập vào mạng xã hội sẽ nhận được thông báo Facebook đang bảo trì và nâng cấp cơ sở dữ liệu. Với lượng người dùng khổng lồ, lên đến 2,5 tỷ, Facebook không thể tiến hành nâng cấp trên toàn bộ các tài khoản cùng lúc, nên có thể người này khó truy cập nhưng những thành viên khác vẫn sử dụng mạng xã hội bình thường.
Hôm qua (13/3), hàng nghìn người cũng phàn nàn trên mạng xã hội khi không thể mở Gmail và Google Drive. Google cho biết Gmail và Google Drive bị "gián đoạn dịch vụ", người dùng có thể truy cập nhưng sẽ thấy thông báo lỗi, độ trễ cao và họ đang xem xét vấn đề.
H.A (TH)