Trước đó PhapluatNet đã có bài: "Bệnh viện Mắt Thái Nguyên: Những lùm xùm gây bức xúc dư luận" phản ánh về việc nhiều bệnh nhân sau khi được thực hiện thủ thuật tiểu phẫu tại Bệnh viện mắt trên thì mắt của họ đã bị viêm tái đi tái lại, nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân buộc phải chuyển tuyến để phẫu thuật lại với tia hi vọng nhỏ nho, đáng buồn là đã có những trường hợp mất đi thị lực vĩnh viễn.
Cụ thể trường hợp của bà Hoàng Thị Chinh (65 tuổi, trú tại xã Tân Đức, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) sau khi được khám và chuẩn đoán mắt bị đục thủy tinh tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, bà được mổ vào ngày ngày 13/1/2018. Đến 22h cùng ngày mắt bà đau, tuy nhiên gọi bác sỹ không ai đến. Sáng hôm sau, khi mắt bà đau nhức không thể chịu được thì bác sỹ đến khám và sau khi kiểm tra, trường hợp của bà được bác sỹ chỉ định chuyển lên Bệnh viện mắt Trung ương điều trị.
Tại đây, các bác sỹ đã chuẩn đoán mắt bà bị “viêm mủ nội nhãn” và phải phẫu thuật lại lần nữa. Dù được chữa trị kịp thời, những cơn đau nhức không còn nhưng mắt bà đã không nhìn thấy gì nữa.
Ngoài trường hợp của bà Chinh, ngày 8/10/2018, bà Nguyễn Thị Châm (62 tuổi, ở phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên) đến Bệnh viện Mắt Thái Nguyên để khám, sau khi được các y bác sỹ ở Bệnh viện khám chẩn đoán và yêu cầu phẫu thuật lấy thể thủy tinh. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật bà Châm thấy mắt trái ngứa, khó chịu, nhìn mờ… và được các y, bác sỹ ở Bệnh viện Mắt Thái Nguyên chuyển xuống Bệnh viện Mắt Trung ương để chữa trị tiếp.
Sau khi được các y bác sỹ khám chuẩn đoán thì bà Châm được biết rằng khi bà phẫu thuật ở Bệnh viện Mắt Thái Nguyên đã bị sót nhân sau phẫu thuật thể thủy tinh, đục thể thủy tinh vùng nhân ở người già. Mặc dù đã được các bác sỹ ở Bệnh viện Mắt Trung ương tận tình cứu chữa nhưng do mổ sót nhân ở tuyến Bệnh viện Mắt Thái Nguyên nên đến giờ mắt bà Châm vẫn khó nhìn, hay bị chảy nước, mắt ngứa….
Việc hàng loạt ca phẫu thuật thay thuỷ tinh thể tại Bệnh viện mắt Thái Nguyên xảy ra biến chứng hậu phẫu, buộc phải chuyển viện gây ra nhiều rủi ro và thiệt hại về thể xác và tinh thần cũng như tài chính cho bệnh nhân không tránh khỏi việc dư luận đặt ra nhiều nghi ngờ đối với trình độ tay nghề khám chữa bệnh yếu kém của các bác sỹ tại đây? Hoặc do chính các trang thiết bị máy móc hỗ trợ quá trình khám, chữa, và điều trị bệnh tại đây có vấn đề?
Trước sự việc trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Thọ - PGĐ Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, ông Thọ cho biết: "Viện anh có duy nhất một máy siêu âm mắt là đi mượn của một công ty ở dưới Hà Nội. Máy này được dùng trong quy trình trước mổ, kiểm tra võng mạc của mắt, võng mạc là bộ phận tiên quyết xem mắt đấy có nhìn được hay không, là bước quan trọng đầu tiên".
Việc đưa ra kết luận và chỉ định mổ hay không mổ đối với bệnh mắt đục thuỷ tinh thể trong phương pháp mổ Phaco dựa phần nhiều vào máy siêu âm nhưng tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên máy siêu âm AB này lại được ban lãnh đạo bệnh viện mượn của một doanh nghiệp chứ không phải máy của bệnh viện. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu rằng máy siêu âm đi mượn này có đảm bảo chất lượng, kiểm duyệt trước khi đưa vào sử dụng hay không? Phải chăng chất lượng không được đảm bảo dẫn tới những rủi ro trong phẫu thuật đục thuỷ tinh thể của các bệnh nhân tại đây?
Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế, ông Hồng cho biết: "Trước kia bệnh viện cũng có một máy siêu âm nhưng bị hỏng và đang đi bảo dưỡng. Trong lúc đó, một doanh nghiệp đã cho bệnh viện mượn máy để siêu âm cho người bệnh, đó là sáng kiến cần phải khen người ta. Còn đi sâu vào vấn đề thủ tục thì đó chỉ là thủ tục hành chính vớ vẩn".
Tuy nhiên, theo luật quy định về mua sắm quản lý trang thiết bị y tế, thiết bị máy móc y tế đưa vào sử dụng trong bệnh viện phải được căn cứ vào nhu cầu thực tế của bệnh viện để lên danh sách đề xuất mua, bổ sung. Sau đó trình lên Sở Y tế, Sở Y tế có trách nhiệm báo cáo UBND Tỉnh. Nếu UBND Tỉnh chấp thuận phê duyệt mua, bổ sung thì sẽ ra quyết định, bố chí ngân sách, tổ chức đấu thầu sau đó lựa chọn nhà thầu rồi mới được đưa vào sử dụng.
Luật quy định rõ ràng là vậy thế nhưng trước câu hỏi của PV về vấn đề mượn máy siêu âm AB của doanh nghiệp thì ông Hồng lại cho đó là "thủ tục vớ vẩn". Tại buổi làm việc, PV đề nghị được tiếp cận những hồ sơ báo cáo của Bệnh viện mắt Thái nguyên gửi lên sở và những công văn, văn bản sở báo cáo lên tỉnh thì nhận đc sự từ chối.
Theo Nghị Định số 36/2016/NĐ-CP về Quản lý trang thiết bị y tế tại chương VIII quy định về quản lý trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế:
Điều 55: Nguyên tắc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế
1. Việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế phải theo đúng mục đích, công năng, chế độ, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.
2. Việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn phải tuân thủ quy định của nhà sản xuất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về kiểm định, hiệu chuẩn.
Đối với các trang thiết bị y tế có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định về kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định tại Nghị định này còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
3. Phải lập, quản lý, lưu trữ đầy đủ hồ sơ về trang thiết bị y tế; thực hiện hạch toán kịp thời, đầy đủ trang thiết bị y tế về hiện vật và giá trị theo quy định hiện hành của pháp luật về kế toán, thống kê và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền về quản lý trang thiết bị y tế.
PV