Trước tình trạng báo động đỏ Dịch Viêm phổi cấp do chủng mới virus corona theo công bố của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/02/2020, thực hiện Chỉ thị Chính phủ, Công văn hoả tốc của bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn bộ học sinh - sinh viên các cấp được cho phép nghỉ học liên tiếp 02 tuần sau Tết nguyên đán, cụ thể là từ ngày 03/02 đến hết ngày 16/02/2020.
Việc nghỉ học kéo dài dẫn đến nhiều hệ luỵ liên quan đến kế hoạch đào tạo, chế độ của giáo viên. Trong đó, vấn đề nổi cộm hiện nay là thắc mắc của rất nhiều giảng viên - giáo viên, nhân viên trường học (nhất là những giáo viên tại các trường dân lập) về việc họ có được trả lương cho thời gian nghỉ do dịch bệnh hay không.
Thông tin về vấn đề này, luật sư Mai Thảo - Trưởng Ban Dân sự Công ty Luật TAT Law Firm cho hay: Theo quy định của Bộ luật Lao động thì quãng thời gian giáo viên, nhân viên trường học nghỉ làm do dịch bệnh được xác định là quãng thời gian ngừng việc. Bộ luật Lao động 2012 quy định việc trả lương trong thời gian ngừng việc như sau:
Nếu do lỗi của Người sử dụng lao động thì Người lao động vẫn phải trả đủ lương cho Người lao động, ngược lại nếu do lỗi của Người lao động thì Người lao động không được hưởng lương. Đối với trường hợp ngừng việc vì nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Điều này được hiểu là, thời gian giáo viên (kể cả hai nhóm giáo viên là viên chức làm việc theo hợp đồng lao động của viên chức, và giáo viên thực hiện công tác giáo dục theo hợp đồng lao động ký với trường học, công – nhân viên trường học) nghỉ theo chỉ đạo Chính phủ và hướng dẫn của bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian ngừng việc này không do lỗi của giáo viên và trường học mà do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh.
Theo đó, trường học - các đơn vị sự nghiệp giáo dục vẫn thực hiện thanh toán lương cho giáo viên, nhân viên trường học nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. (Vùng I: 4.420.000đồng/tháng, Vùng II: 3.920.000đồng/tháng; Vùng III: 3.430.000đồng/tháng, Vùng IV 3.070.000đồng/tháng), như vậy thu nhập đó không còn căn cứ theo hợp đồng lao động. Riêng đối với giáo viên là viên chức thì vẫn được hưởng các khoản phụ cấp như: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực … theo quy định của Luật Viên chức 2010, Luật Giáo dục 2005 (sắp thay thế bởi Luật Giáo dục 2019) và Bộ luật Lao động 2013.
Dịch viêm phổi cấp do virus corona có khả năng kéo dài, trong trường hợp khẩn cấp nhất, tất cả các lĩnh vực lao động khác cũng có khả năng đóng băng, người lao động phải ngừng việc ở nhà để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Trong trường hợp đó, không chỉ là giáo viên, mà tất cả Người lao động trong các lĩnh vực ngành nghề, khi có Thông báo bộ, yêu cầu Người lao động được ngừng việc thì Người lao động vẫn được hưởng lương trong thời gian ngừng việc.
Thời gian Người lao động ngừng việc cũng gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho người sử dụng lao động. Vậy, để đảm bảo dung hoà lợi ích các bên, ai là người thanh toán lương trong thời gian ngừng việc?
Theo quy định trên thì trước tiên, Người sử dụng lao động vẫn là người thanh toán lương cho Người lao động trong quãng thời gian ngừng việc.
Cụ thể, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015, thì “Nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước là một khoản mục trong dự toán chi ngân sách chưa phân bổ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định ở từng cấp ngân sách” và được sử dụng trong những trường hợp chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác. Xem xét quy định này, trong trường hợp thiệt hại do dịch bệnh thì bộ Kế hoạch - Đầu tư, bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp cân nhắc trình Thủ tướng có thể xem xét quyết định việc sử dụng nguồn ngân sách dự phòng Trung ương trong công tác khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra. Từ nguồn ngân sách này, các bộ - ban – ngành có thể sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục hậu quả, trong đó có phần thanh toán lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc.