Vừa qua, Diễn đàn Pháp Luật nhận được phản ánh của khách hàng về việc chuỗi cửa hàng Keinshoku Gyomu bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không gắn nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Theo tìm hiểu của PV, chuỗi siêu thị Keinshoku Gyomu thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Kein có địa chỉ tại 212 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Hệ thống chuỗi siêu thị này gồm 6 cơ sở trải khắp các tỉnh thành Hà Nội, Yên Bái, Hà Nam, Vĩnh Phúc với quy mô lớn.
Tại một số siêu thị Keinshoku Gyomu trên địa bàn Hà Nội như cơ sở 302 Cầu Giấy, 217 Nguyễn Khang có nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ dùng gia đình, đồ dùng trẻ em... được bày bán đa dạng. Tuy nhiên, tất cả các bao bì sản phẩm được in chữ tiếng Nhật song nhiều sản phẩm không được dán tem nhãn phụ tiếng Việt thể hiện những thông tin cần thiết về thành phần, tính năng, cách sử dụng, cảnh báo, xuất xứ hàng hoá, nhà nhập khẩu... khiến không ít người tiêu dùng lúng túng và lo lắng khi chọn mua và sử dụng các sản phẩm trên.
Tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng bày bán tại chuỗi siêu thị Keinshoku Gyomu, trong vai khách hàng tìm mua sản phẩm cháo ăn liền, PV được nhân viên tư vấn sản phẩm Cháo mơ ăn liền. Theo quan sát của PV, sản phẩm này có dán nhãn tiếng Việt ghi rõ địa chỉ nhà nhập khẩu và phân phối sản phẩm là Công ty cổ phần Kein có địa chỉ tại 28 Hàng Muối, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Tuy nhiên, khi PV tới địa chỉ trên ghi nhận cơ sở này thì không treo biển tên công ty và đóng cửa không hoạt động.
Chị Chi, một khách hàng chia sẻ: "Cầm trên tay một gói thực phẩm chức năng không hề có nhãn mác tiếng Việt chẳng khác nào đánh đố người tiêu dùng, tôi không biết công dụng sản phẩm này là gì, mua cái gì gì cũng quay sang hỏi nhân viên bán hàng giải thích”.
“Trong quá trình mua hàng ở chuỗi cửa hàng trên trong khi xuất hoá đơn của cửa hàng không ghi kèm Thuế GTGT, không biết cửa hàng này có khai thuế với cục hải quan trong quá trình nhập khẩu hàng không”, chị Chi thắc mắc.
“Tôi cần mua tã lót trẻ em, nhưng xem hàng ở đây không có nhãn phụ Tiếng việt hướng dẫn về cách dùng, độ tuổi nào phù hợp, hay có những thành phần nào dị ứng đối với trẻ nhỏ. Làm tôi băn khoăn không biết nên mua hay không...”, một khách hàng khác chia sẻ.
Trước những thắc mắc của người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm của chuỗi siêu thị Keinshoku Gyomu, PVđã gửi thông tin phản ánh đến Cục Quản lý Thị trường TP Hà Nội. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin PV phản ánh, Cục quản lý Thị trường TP. Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh về vấn đề trên.
Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP thì hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 3.000.000 đồng:
Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
2. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 3.000.000 đồng được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
Diễn đàn Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin.