Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hà thành kim cổ ký: Hàng Gai phố sách

Hà thành kim cổ ký: Hàng Gai phố sách
In mộc bản xuất hiện ở Thăng Long khá sớm, gắn liền với khắc in những bộ kinh sách truyền bá Phật giáo khi đạo thịnh hành ở Việt Nam thời Lý-Trần. Song phải đợi đến triều Lê thì nghề in ở Đại Việt mới có sự thay đổi rõ rệt.

Thời Lê, kinh sách đạo Phật, đạo Lão cũng như thi thư chỉ được in khi triều đình cho phép. Thời Nguyễn, Minh Mạng là một ông vua sùng Nho, ham đọc sách, khuyến khích viết sách nhưng lại kiểm soát hết sức chặt chẽ in ấn. Ông sợ lập ngôn hay thi thư của sĩ phu Bắc Hà vốn vọng Lê không ưa triều Nguyễn được in tự do rồi phổ biến rộng rãi trong dân chúng sẽ nguy hại đến triều đình. Tuy nhiên, đến đời vua Thiệu Trị và Tự Đức, nghề in ở Hà Nội rất phát triển ở phố Hàng Gai. Cho đến khi chấm dứt thi Hương ở Bắc Kỳ năm 1915 và ở Trung Kỳ năm 1918, các phố Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Thiếc và Hàng Đào có 21 cơ sở in mộc bản nhưng riêng Hàng Gai chiếm tới hai phần ba. Nổi tiếng nhất Hàng Gai là các nhà in: Liễu Văn đường, Tụ Văn đường, Phúc Văn đường, Đồng Văn đường, Quảng Thịnh đường, Cẩm Văn đường, Quan Văn đường, rồi mới tới Áng Hiên hiệu ở phố Hàng Đào.

Muốn in một cuốn sách phải có người viết hay mượn người viết đúng như cách mà nhà in muốn trình bày. Sau đó đưa cho thợ Liễu Chàng khắc. Thợ khắc phải dùng gỗ thị vì gỗ này mịn, dẻo và bền. Miếng gỗ được đánh nhẵn hai mặt rồi dùng cơm nát dán trái bản viết vào, lại đánh cho giấy mỏng đi để nét chữ thật rõ mới dùng dao sắc nhọn khắc. Mỗi bản gỗ chỉ in được bốn trang. In thử nếu có chữ sai thì phải đục đi chêm mẩu gỗ vào khắc lại. Có những bộ sách rất nhiều quyển nên số bản khắc rất lớn và đó cũng chính là vốn vì thế nghề in cần phải nhiều thời gian nên không phải  ai cũng có thể làm được.

Hà thành kim cổ ký: Hàng Gai phố sách
Khi xưa phố Hàng Gai là phố sách.

Khi in, thợ để bản in lên đệm rơm, dùng chổi con quét một lượt mực vừa phải, đặt tờ giấy lên lấy xơ mướp đã bôi mỡ xoa thật đều và đều tay là xong một bản. Giấy in có hai loại: Giấy bản và moi do làng Bưởi cung cấp. Giấy bản trong và trắng để in sách học, giấy moi vẫn còn các vết vỏ gió để in truyện thường. Có hai khổ quen dùng, sách truyện khổ 16cm x 20cm còn sách học khổ 20cm x 30cm. Ấn phẩm  có nhiều loại, sách kinh do các chùa đặt, sách dành cho sĩ tử học thi, truyện dân gian, truyện Tàu, các bộ sử hay sách thuốc. Thường mỗi bản sách chỉ  in tối đa ba trăm, bán hết mới lôi bản khắc ra in tiếp. Để sách không có lỗi, nhà in nào cũng rước nhiều thầy đồ hay chữ soát thật kỹ bản in. Nói chung sách của các nhà  in ở Hàng Gai không bao giờ phải đính chính.

Các nhà Nho xưa không nghĩ đến chuyện in sách, họ chỉ lo lập ngôn tức là  nói những lời sâu sắc có ý nghĩa cho đời nhưng thấy có người in văn của mình thì cũng thích nên nhà in nghe nói ai có bản văn hay chỉ đem cái lễ “chè rượu” đến xin là được. Với truyện dân gian thì in tự do. Nhưng tùy theo nhà in, có nhà trình bày như bản cổ, có nhà nhờ các ông cử, ông tú nhuận sắc để người đọc dễ hiểu hơn. Các truyện chữ Nôm có Lý Công, Phương Hoa Phạm Công- Cúc Hoa, Thạch Sanh, Lưu Bình Dương Lễ, Bướm Hoa, Trê Cóc... Còn truyện Tàu khá nhiều nhưng cứ in đi in lại. Riêng bản Kiều có rất nhiều tên khác nhau như: Kim Vân Kiều tân truyện, Đoạn trường tân thanh, Kiều truyện, Kiều lục, Kiều thơ, Kiều phú...

Đầu thế kỷ XX, chế độ khoa cử Việt Nam có sự thay đổi lớn. Bỏ kinh nghĩa thơ phú chuyển sang văn sách, luận và thêm cả một phần Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ lan rộng, ai ai cũng học vì sợ mình lạc hậu, các nhà in phố Hàng Gai nhanh chóng xoay theo thời cuộc chuyển sang in chữ Quốc ngữ.

Nguyễn Ngọc Tiến

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.33698 sec| 634.297 kb