Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hành trình ước mơ của cô giáo tự đứng vững trên đôi chân khiếm khuyết

Hành trình ước mơ của cô giáo tự đứng vững trên đôi chân khiếm khuyết
Cô giáo Đinh Thị Quỳnh Nga (41 tuổi) được biết đến như người mẹ hiền của hàng trăm đứa con thơ ở trường Nuôi dưỡng và giáo dục trẻ khuyết tật Sóc Sơn.

Người mẹ thứ hai

Hành trình đến với ước mơ “gõ đầu trẻ” của cô giáo Đinh Thị Quỳnh Nga (Gò Sỏi, Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội) thật chẳng dễ dàng. Trải qua quãng thời gian gần chục năm sau khi tốt nghiệp đại học, chị Nga mới chính thức trở thành giáo viên mỹ thuật.

Hành trình ước mơ của cô giáo tự đứng vững trên đôi chân khiếm khuyết
Một giờ mỹ thuật của cô Nga tại trường nuôi dưỡng và giáo dục trẻ khuyết tật Sóc Sơn.

Năm 2000, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật trường đại học Thủ đô, chị Nga hăng hái nộp hồ sơ vào một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn. “Suốt 2 năm, tôi đã phải “gõ cửa” không biết bao nhiêu trường học, nhưng vẫn không được tuyển dụng. Lúc đầu, tôi đi nộp hồ sơ trong lòng cũng hân hoan lắm, nghĩ rằng mình sẽ sớm trở thành một cô giáo. Nhưng các trường tiểu học đều từ chối, chỉ vì tôi có khiếm khuyết trên đôi chân”, chị Nga nhớ lại.

Chị kể: “Lúc 6 tháng tuổi, chị gái bế tôi chẳng may để ngã, quá trình điều trị không được tốt, tôi vẫn sốt liên miên. Biến chứng sau những mũi tiêm là đôi chân teo cơ kéo thêm liệt mềm và teo toàn diện từ hông trở xuống...”.

Nhắc lại quãng thời gian 2 năm ngược xuôi khắp nơi xin việc, chị Nga : “Khoảng thời gian đó đã lấy của tôi không biết bao nhiêu nước mắt. Tôi đã ngẫm cuộc sống thật bất công. Miệt mài đi nộp hồ sơ khắp nơi, kết quả thu lại vẫn chỉ là con số không, chẳng nơi đâu đồng ý tuyển dụng tôi. Đến cả việc xin dạy hợp đồng cũng khó. Thậm chí, tôi từng thử xin làm công nhân ở khu công nghiệp, nhưng họ cũng từ chối”.

Thất vọng, cuối 2002, chị quyết định mở cửa hàng giải khát để kiếm sống nhưng vẫn khát khao được đứng trên bục giảng. Chị chia sẻ: “Nhìn bạn bè cùng khóa đại học ai cũng có công việc ổn định, lúc đó, việc gặp lại họ thôi cũng khiến tôi chạnh lòng. Sao con đường tôi đi lại chông chênh đến vậy? Có đêm tôi nằm mơ nghe tiếng trống trường ngân vang, thấy những bàn tay bé xinh múa bút vẽ màu... Vậy là tôi biết, tôi vẫn còn yêu nghề giáo lắm, phải quyết tâm để được đi dạy học. Suốt 5 năm ấy tôi vẫn luôn mong mỏi một ngày trở thành cô giáo, truyền đạt thêm kiến thức cho các bạn nhỏ”.

Đến tháng 7 năm 2007, may mắn sau khi thi đỗ công chức, chị Nga được nhận vào trường nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em khuyết tật Sóc Sơn giảng dạy. Cánh cửa mới hé mở, cảm giác mừng vui lạ lẫm. Đối với những đứa trẻ khuyết tật, cô giáo dạy mỹ thuật mỗi lần đứng trên bục giảng, lại mang đến thật nhiều điều thú vị và mở ra một thế giới bao la đầy màu sắc.

Những đứa trẻ đặc biệt này không chỉ cần một người thầy dạy dỗ kiến thức, mà còn cần một vòng tay yêu thương của một người mẹ, ân cần bảo ban từ những điều nhỏ nhất. “Từ ngày chính thức trở thành giáo viên, dù công việc cũng đôi chút áp lực, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận vì đã nỗ lực theo đuổi nghề giáo, bởi đó là ước mơ lớn nhất của cuộc đời tôi”, cô giáo Nga

Người vẽ những ước mơ màu hồng

Không chỉ là người vẽ những ước mơ màu hồng trên lớp, mang đến những mảng màu độc đáo về nghệ thuật để học sinh thêm yêu cuộc sống, cô giáo Nga còn là người mẹ hiền dìu dắt từng bước chân sau khi ra trường. Nhìn những đứa con ngây thơ, hồn nhiên nhưng thiệt thòi vì tật nguyền, chị Nga không khỏi xót xa khi nghĩ đến, khi bước chân ra đời, các con có thể đứng trước nguy cơ bị người ta từ chối, không cho cơ hội làm việc, chị đã tìm cách để học sinh không rơi vào tình trạng thất nghiệp, vất vả ngược xuôi mưu sinh giống mình nhiều năm trước. Năm 2009, chị Nga đã thành lập một hợp tác xã chuyên thủ công mỹ nghệ, mang tên “Trái tim hồng”.

Hành trình ước mơ của cô giáo tự đứng vững trên đôi chân khiếm khuyết
Cô Nga cùng một học trò cũ giới thiệu 1 sản phẩm mỹ nghệ của hợp tác xã Trái tim hồng.

Chị chia sẻ: “Khuyết tật đã là một thiệt thòi, nếu vì khuyết tật mà thiếu đi cơ hội việc làm lại càng thiệt thòi hơn. Tôi chỉ mong, học sinh của tôi, sẽ không có ai thất nghiệp giống như tôi trước kia, bị “chối bỏ” quyền được lao động. Hơn ai hết, tôi mong chúng sẽ tự nuôi được bản thân, góp ích được cho gia đình và ”.

Và học sinh sau khi ra trường, đều được chị đón về hợp tác xã làm việc.

Hành trình ước mơ của cô giáo tự đứng vững trên đôi chân khiếm khuyết
Sau khi hướng dẫn mọi người thực hiện, mỗi sản phẩm thường được cô trau chuốt lại.

Công việc ở cơ sở chủ yếu là chế tác các sản phẩm từ hạt gỗ nên ai cũng có thể làm được. Vậy là, cô giáo mỹ thuật trên lớp lại đồng hành trở thành cô giáo mỹ nghệ tại nhà, giúp các trò tự tin hơn vào một cuộc sống. Như một người mẹ, chỉ bảo từng “đường kim, mũi chỉ” khi chưa thạo việc. Những học sinh của cô Nga vô cùng vui mừng khi tự tay đã tạo ra những sản phẩm thủ công tinh tế.

Hiện tại, hợp tác xã có 28 nhân công, ngoài những học sinh bước ra từ trường nuôi dưỡng và giáo dục trẻ khuyết tật Sóc Sơn, còn có một số người khuyết tật trong thôn cũng được nhận vào làm việc ở đây. Nhiều học sinh ở xa được cô giáo Nga sắp xếp chỗ ở tại hợp tác xã để các em thuận tiện trong cuộc sống và công việc. Những bữa cơm chung thân thiết giữa chị và đàn con thơ tại hợp tác xã ấm áp chẳng khác gì một gia đình.

Chị Nga cho biết: “Học sinh gắn bó với hợp tác xã lâu nhất là Hoàng Văn Nga. Sức khỏe của em không tốt. Em ra trường từ khi tôi chưa thành lập hợp tác xã, vì thế tôi đã phải gửi em tới một số cơ sở của người khác để làm. Sau khi hợp tác xã được thành lập, em đã về làm và gắn bó đến tận bây giờ”.

Hành trình ước mơ của cô giáo tự đứng vững trên đôi chân khiếm khuyết
Một bữa cơm đầm ấm của những học sinh và nhân công ở lại hợp tác xã.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, em Nguyễn Linh Chi, một học sinh được cô Nga hướng dẫn nghề thủ công cho biết: “Em rất cảm ơn cô Nga, vì cô đã dạy nhiều điều hay, giúp em biết lao động tạo ra thành quả, cũng từ đó, bản thân thấy tự tin hơn trong cuộc sống”.

Nhìn những đứa trẻ từng bước trưởng thành, tự tin vào bản thân sau khi tham gia lao động tại hợp tác xã, chị Nga không khỏi xúc động: “Hiện giờ, tạo được công việc ổn định thêm cho nhiều người khuyết tật là niềm vui lớn nhất của tôi”.

Chị Nga chia sẻ: “Tham gia đóng góp ở nhiều vai trò khác nhau, nhưng điều khiến tôi hãnh diện nhất chính là trở thành người mẹ hiền thứ hai, chăm lo cho các em từ việc học hành trên lớp đến việc làm ở hợp tác xã. Quan sát chúng tự tin hơn, trưởng thành hơn mỗi ngày cũng là niềm hạnh phúc của tôi”.

Tâm sự với PV, cô giáo Nga hy vọng trong tương lai gần, có thể phát triển nhiều ngành nghề phù hợp với nhiều dạng tật trên cơ thể từng em để có thể thu hút nhiều người khuyết tật tham gia và tạo việc làm cho họ. Hiện tại, cô Nga đang là Phó Chủ tịch hội khuyết tật huyện Sóc Sơn, Chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật huyện Sóc Sơn, Chủ tịch hội Khuyết tật xã Hồng Kỳ và là Giám đốc HTX “Trái tim hồng”.

Thủy Tiên

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39720 sec| 658.25 kb