Tại cuộc họp báo liên ngành sáng ngày 28/10, Tổng cục Hải quan cùng với đại diện các bộ, ngành, cơ quan điều tra đã tiến hành thảo luận, thống nhất các kết quả điều tra, xác minh liên quan đến các dấu hiệu sai phạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo (Công ty Asanzo).
Xâm phạm quyền nhãn hiệu
Đại diện bộ KHCN khẳng định 2 nội dung quan trọng liên quan tới Asanzo là vấn đề chuyển giao công nghệ và vấn đề vi phạm nhãn hiệu.
Về chuyển giao công nghệ, đại diện Asanzo cho biết phía công ty đã thông qua ký kết với Sharp – Roxy Hongkong, tuy nhiên, bộ KHCN khẳng định không nhận được bất kỳ đăng ký chuyển giao công nghệ nào giữa Asanzo và Sharp - Roxy Hong Kong.
Trong tháng 8/2019, Bộ này cũng có công văn 2436 trả lời Công ty Asanzo, trong đó, bộ KHCN khẳng định, theo nội dung hợp đồng thì chưa thể hiện việc chuyển giao công nghệ. Do vậy, bộ KHCN chưa đủ cơ sở cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ.
Về đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, trước đó, cục Sở hữu trí tuệ đã nhận được đơn của Công ty TNHH và sản xuất Đông Phương đề nghị hủy bỏ nhãn hiệu “Asanzo và hình” đã cấp cho Asanzo.
Ngày 24/10, cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành ba quyết định hủy bỏ những quy định đã cấp về nhãn hiệu cho Asanzo.
Qua kiểm tra ngẫu nhiên 20 sản phẩm, đoàn kiểm tra bộ KHCN phát hiện có 12 sản phẩm vi phạm quy định nhãn. Đây là những hàng hóa được nhà nhập khẩu bán lại cho Công ty Asanzo. Mở rộng phạm vi điều tra, do những đơn vị nhập khẩu đến lúc đó không tồn tại ở địa chỉ đăng ký nên bộ KHCN không làm việc trực tiếp được để xử lý được.
Quảng cáo không đúng thực tế, lừa dối người tiêu dùng
Liên quan đến cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", cơ quan chức năng xác định quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như quảng cáo và việc sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.
Cụ thể, cơ quan hải quan cho biết quy trình lắp ráp của Asanzo không như quảng cáo. Việc lắp ráp sản phẩm đều diễn ra thủ công, không có dây chuyền hiện đại.
Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công để tạo thành hàng hóa hoàn chỉnh, bán ra thị trường. Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo.
Việc tự lắp ráp thủ công các sản phẩm trong nước tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng chỉ khoảng 1-2%, do đó, theo cơ quan hải quan, căn cứ vào các quy định thì không thể cho rằng đây là sản phẩm "Made in Vietnam". Việc Asanzo sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam chất lượng cao" có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa.
Chưa đăng ký với VCCI, nhiều dấu hiệu trốn thuế
Theo kết luận Thanh tra thuế số 650/KLTT-CT ngày 15/10 của cục Thuế TP.HCM và các hồ sơ liên quan cho thấy, Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên đứng tên.
Asanzo mua linh kiện điện lạnh từ một số công ty nói trên, sau đó gia công lại một phần rồi lắp ráp thành phẩm, dán tem Asanzo và bán cho doanh nghiệp cũng thuộc tập đoàn Asanzo.
Mua "linh kiện" nhưng Asanzo lại ghi nội dung hóa đơn là "mặt hàng thành phẩm" để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn.
Vì những hành vi trên, cục Thuế TP.HCM đã ký quyết định xử phạt đối với Asanzo về việc vi phạm về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giao dịch liên kết, bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, mua linh kiện rồi thuê gia công lắp ráp nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt…
Ngoài ra, Asanzo còn bị xử phạt với tình tiết tăng nặng do có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm. Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 47,6 tỷ đồng.
Đối với hàng hóa xuất khẩu của Asanzo, Bộ Công Thương nhận định với kết quả kiểm tra đạt được, tập đoàn này đã vi phạm những quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ về quản lý ngoại thương. “Có thể coi hàng mà Asanzo xuất đi nước ngoài không phải xuất xứ Việt Nam”, đại diện Bộ Công Thương nói.
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại VCCI, cho biết đến nay, VCCI chưa tiếp nhận được hồ sơ khai báo tư nhân của tập đoàn Asanzo. Đại diện VCCI khẳng định đơn vị này chưa có thông tin và chưa cấp C/O cho Asanzo xuất hàng đi nước ngoài.
Bà Hương cho rằng con số hàm lượng giá trị gia tăng 98% nhập khẩu, 2% sản xuất trong nước mà Tổng cục Hải quan đưa ra cần phải được làm rõ là của tất cả sản phẩm hay chỉ một số mặt hàng cụ thể.
“Nếu áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, sản phẩm với hàm lượng giá trị gia tăng như trên không vượt qua công đoạn gia công đơn giản. Cụ thể với một chiếc TV, sản phẩm này không được xét thành hàng “made in Vietnam". Còn với hàng sản xuất, lưu thông tại Việt Nam thì chưa có quy định cụ thể”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết quan điểm của Tổng cục Hải quan là quy định xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước không thấp hơn hàng hóa xuất khẩu. Đây cũng là thông lệ quốc tế. Hiện tại đã có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Ông Lại Anh Tuấn, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, đồng tình với việc Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa trong nước và xuất đi nước ngoài, có dấu hiệu vi phạm nhãn mác sở hữu công nghiệp.
Tuy nhiên, vị này cho rằng, Asanzo chỉ có dấu hiệu trốn thuế, chứ chưa đủ căn cứ xác định các công ty thuộc Asanzo có phạm tội hay không. Hiện tại doanh nghiệp này mới có dấu hiệu về không xuất hóa đơn bán hàng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng hóa đơn có giá trị ghi cao hơn thực tế.
Kết thúc buổi họp, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết các ý kiến của bộ, ngành, cơ quan hữu quan sẽ được Tổng cục Hải quan tập hợp trong kết luận cuối cùng để báo cáo Thủ tướng trong ngày 30/10 tới.