Tại hội thảo quan điểm định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm ngày 28-3 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng phải xem mại dâm là một nghề. Khi đó người bán dâm phải đăng ký, được khám sức khỏe định kỳ hằng tháng, thành lập tổ chức để kiểm soát và có nộp thuế cho Nhà nước…
Ngay sau khi quan điểm này được chia sẻ, bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ cũng có nhiều người phản đối.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho rằng, hoạt động kinh doanh mại dâm, hành nghề mại dâm bị nghiêm cấm xuất phát từ mục đích bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng và phát triển con người Việt Nam. Mục đích này là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, luật sư Thanh cho rằng, có thể nới lỏng quy định về nghiêm cấm hoạt động mại dâm trên cơ sở nghiên cứu sâu rộng, toàn diện về hoạt động mại dâm dựa trên những nhu cầu có thực, chính đáng của con người.
Theo luật sư Thanh, pháp luật có thể cho phép một số đối tượng đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, không ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân gia đình… được phép hành nghề mại dâm. Và cũng như vậy đối với người mua dâm, chỉ có những người đáp ứng các điều kiện trên mới được phép sử dụng dịch vụ này.
Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú lại cho rằng, hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà chỉ khiến nó tràn lan thêm. Tiền thuế mà Nhà nước thu được rất ít trong khi chi phí bỏ ra để duy trì hệ thống “phố đèn đỏ” và y tế cho gái bán dâm, cũng như truy quét các loại tội phạm như ma túy, trộm cướp, cờ bạc... lại rất lớn.
Chưa kể việc hợp thức hóa mại dâm sẽ làm gia tăng nạn “mại dâm chui, gái đứng đường” không giấy phép do gái bán dâm không muốn phải nộp thuế và bị quản lý, kéo theo đó là bạo lực đường phố và làm giả giấy phép. Việc này sẽ dẫn đến tồn tại song song “mại dâm hợp pháp” và “mại dâm bất hợp pháp” làm cho quản lý càng rắc rối hơn vì khó có thể xác minh gái mại dâm có hay không có giấy phép hành nghề, giấy phép đó là thật hay giả.
Hợp pháp hóa mại dâm cũng cho thấy việc này không vì sự phát triển của phụ nữ nói chung. Bởi có khả năng nó sẽ khiến những em gái đang ở tuổi đến trường (nhận thức chưa đầy đủ), đặc biệt các em gái thuộc các gia đình có kinh tế khó khăn, sớm xa rời sách vở, học hành… để lựa chọn “nghề nghiệp” này.
Ở một khía cạnh khác, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng: Có thể không công nhận mại dâm là một nghề nhưng có thể "phi hình sự hóa hoạt mại dâm". Tức là không xử lý hình sự, hành chính với các hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm như môi giới, chứa chấp, mua bán dâm.
Tuy nhiên, sẽ không thả nổi mà phải nghiên cứu, đưa ra các quy định chặt chẽ để quản lý như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong trường hợp vi phạm các điều kiện kinh doanh mại dâm thì sẽ xử lý hình sự. Theo luật sư Tuấn Anh, nếu cho phép hoạt động kinh doanh mại dâm, cơ quan Nhà nước có thể truy thu thuế từ hoạt động kinh doanh cũng như bán dâm.
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cho rằng nếu không công nhận gái mại dâm thì họ vẫn cứ tồn tại ngoài pháp luật. Do vậy, không nên dùng ý chí chủ quan để áp đặt họ phải bỏ nghề mà nên chấp nhận hiện tượng này như một thực tế trong một xã hội muôn màu hiện nay.
Nếu hợp pháp hóa, quyền lợi của họ được đảm bảo. Bởi khi Nhà nước quản lý sẽ có các biện pháp khám sức khỏe định kỳ để phòng, chống bệnh tật lây lan. Còn không, họ vẫn sẽ bị “quản lý” bởi một lực lượng ngoài Nhà nước là “xã hội đen”, khi đó quyền lợi của họ bị bóc lột thậm tệ hơn.
"Theo tôi, nên nhìn nhận vấn đề này bằng nhiều góc độ, nhiều chiều hướng và cần đưa ra được những giải pháp mang tính dài hơi nhằm quản lý hoạt động mại dâm để giảm thiểu những hệ lụy từ chuyện này mang lại.", ông nói.
Vạn Bảo (TH)