Google nổi tiếng nhờ tập hợp nhiều sản phẩm cực kỳ phổ biến, từ Search (tìm kiếm) cho đến Maps (bản đồ) và hệ điều hành Android. Dù vậy, không phải 100% sản phẩm của hãng đều là “con gà đẻ trứng vàng”.
Trang Business Insider đếm được ít nhất 18 sản phẩm “made by Google” kết thúc bằng việc bị xóa sổ trong những năm qua. Một số sản phẩm đình đám có thể kể đến như Google TV, Lively, Google Glass... và mới đây nhất là Google + cũng có kết thúc không mấy tốt đẹp.
Google TV
Đây là nỗ lực đầu tiên của Google hòng chiếm lĩnh thị trường giải trí gia đình. Google TV là một nền tảng dựa trên Android nhưng với giao diện và cửa hàng Play Store được tùy biến để dùng trên màn hình lớn. Nó ra mắt lần đầu vào tháng 10 năm 2010. Sony, Logitech, LG, Samsung là những đối tác đầu tiên làm phần cứng Google TV nhưng cả hai đã nhanh chóng từ bỏ mảng sản phẩm này một thời ngắn sau đó. Google TV hiện đã được thay thế bằng Android TV.
Lý do Google TV thất bại đó là giải pháp của họ không khác biệt nhiều so với cơn sốt Smart TV đang nổi lên trong những năm 2010-2012. Những gì Google TV làm được thì các Smart TV khác cũng làm được, kể cả việc tích hợp những nội dung thuộc sở hữu Google như YouTube.
Ngoài ra, Google TV cũng chịu sự cạnh tranh rất mạnh từ Apple TV, Roku và các thiết bị TV thông minh khác trong thời gian đó.
Lively
Thế giới ảo của Google có tên Lively “sống” được hơn 1 năm. Google cho biết hãng tạo Lively vì “muốn người dùng tương tác được với bạn bè của họ và thể hiện bản thân trực tuyến theo cách mới”, song ý tưởng này không mấy thu hút người dùng. Lively đóng cửa vào năm 2008.
Google Glass
Google Glass từng là sản phẩm gây xôn xao vì bước đột phá táo bạo của Google vào lĩnh vực kính thông minh. Tuy nhiên, sản phẩm tồn tại không lâu và bị khai tử vào ngày 20/1/2015. Có 3 lý do chính để nó thất bại.
Thứ nhất, mức giá 1.500 USD quá đắt để dùng chiếc kính với tính năng GPS vốn có sẵn trên smartphone. Thứ hai, chiếc kính gây lo ngại hàng loạt về vấn đề riêng tư như theo dõi, nghe lén, ghi hình. Thứ ba, nó không có tính thời trang cao như các thiết bị đeo thông minh khác.
Google Video
Đây là dịch vụ phát video trực tuyến của Google, được khởi động trước khi hãng mua YouTube vào năm 2006. Google Video ngừng chấp nhận tải lên video mới vào năm 2009, song Video và YouTube vẫn cùng tồn tại đến tháng 8.2012, khi Google đóng cửa dịch vụ Video vĩnh viễn.
Google X
Google X, giao diện thay thế cho công cụ tìm kiếm, tồn tại được đúng một ngày trước khi bị “khai tử”. Google X gợi nhắc về Mac OS X, với trang hiển thị bài thơ: “Roses are red. Violets are blue. OS X rocks. Homage to you”. Sản phẩm nhanh chóng bị gỡ vào ngày 16.3.2015, và hiện cái tên Google X được tái sử dụng làm tên bộ phận nghiên cứu của Google.
Google Health
Google Health ban đầu được dự kiến làm nơi cung cấp thông tin về sức khỏe cho người dùng song sau đó bị bỏ hẳn vào tháng 1/2012. Lý do là vì Google quan sát thấy dịch vụ “không có tác động rộng rãi” như họ kỳ vọng.
Google+
Đây có lẽ là một trong những thất bại lớn nhất từng xảy ra với Google kể từ khi công ty đi vào hoạt động. Google+ là mạng xã hội được sinh ra để cạnh tranh với Facebook, Google cũng đã đẩy mạnh nó theo nhiều khía cạnh, trên nhiều kênh khác nhau hòng lấy được người dùng. Google+ có một giao diện hiện đại hơn, tính năng ảnh được chú trọng hơn so với Facebook, và tích hợp tốt với các dịch vụ của Google.
Tuy nhiên, hàng loạt sai lầm liên tiếp đã khiến Google+ thất bại. Đầu tiên, ngay từ buổi ra mắt, không phải ai cũng có thể xài Google+ mà phải có thư mời. Đây là một sai lầm chết người vì khi đó khách hàng còn đang sôi sục muốn thử nghiệm nhưng lại không có cơ hội xài, vậy nên họ từ bỏ ngay. Sau đó, Google thực thi hàng loạt chính sách tích hợp Google+ vào những trang web khác của họ mà đỉnh điểm là việc comment trên YouTube khiến người dùng cảm thấy khó chịu và phản đối gay gắt. Quan trọng hơn, những nội dung và cộng đồng Google+ không thể nào cạnh tranh được với Facebook và Twitter.
Vũ Huy (TH)