Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bình Thuận: Hai bờ sông Dinh bị lấn chiếm làm nhà nghỉ, quán cafe

Bình Thuận: Hai bờ sông Dinh bị lấn chiếm làm nhà nghỉ, quán cafe
Khu vực đập Đá Dựng bên lòng sông Dinh tại thị xã La Gi là một trong những công trình phục vụ cho mục đích thủy lợi trọng điểm của tỉnh Bình Thuận nhưng hiện nay, tại 2 bên bờ sông và 2 đầu công trình của đập đang bị lấn chiếm làm điểm kinh doanh nhà nghỉ, homestay, quán cafe… gây ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, Diễn đàn pháp luật có nhận được thông tin phản ánh về tình trạng 2 bờ sông Dinh khu vực đập Đá Dựng thuộc thị xã La Gi đang bị các cá nhân lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép để phục vụ cho hoạt động kinh doanh lưu trú, nhà hàng, quán cafe… Ngoài ra, xung quanh khu vực đập Đá Dựng còn bị các cá nhân lấn chiếm để làm các công trình, kiến trúc tạo cảnh quan cho khách du lịch chụp hình dẫn đến một số nguy cơ mất an toàn đối với công trình thủy lợi và gây ô nhiễm môi trường.

Trước những thông tin phản ánh trên, PV đã tìm đến khu vực cầu Đá Dựng DT 709 để tìm hiểu. Theo ghi nhận của PV, từ vị trí cầu Đá Dựng đến phía đập nước Đá Dựng trên sông Dinh có khoảng cách chỉ gần 200m nên không quá khó để nhận thấy một số công trình, kiến trúc được xây dựng có dấu hiệu lấn chiếm bờ sông tại địa bàn phường Tân An và phường Bình Tân thuộc thị xã La Gi.

Bình Thuận: Hai bờ sông Dinh bị lấn chiếm làm nhà nghỉ, quán cafe
Không gian quán coffee Đá Dựng nằm sát bờ sông Dinh với góc nhìn từ quán cafe Phố Đá.

Công trình đầu tiên PV ghi nhận là quán coffee Đá Dựng có mặt tiền tọa lạc tại đường Nguyễn Công Trứ, thuộc khu phố 6, phường Tân An, thị xã La Gi. Công trình coffee Đá Dựng được thiết kế xây dựng bằng những cột trụ bằng gạch đỏ, kết hợp với các cột gỗ xung quanh, lợp ngói… để phục vụ kinh doanh cafe, giải khát. Ngoài ra, bên trong công trình còn thiết kế thêm hồ nước để nuôi cá cảnh, nhà chòi mái ngói lục giác cùng dãy nhà khung sắt với mái kèo bằng bạt di động ngay sát bờ sông Dinh.

Sau khi ghi nhận tại quán coffee Đá Dựng, PV tiếp tục tìm đến công trình nằm bên bờ sông Dinh thứ 2 có tên Nhà hàng – Tiệc cưới – Café Phố Đá có địa chỉ tại đường Nguyễn Trãi, khu phố 1, phường Bình Tân, thị xã La Gi. Theo PV ghi nhận, bên trong công trình này, chủ đầu tư thiết kế, xây dựng 1 dãy phòng nghỉ, 1 khu vực rộng lớn với không gian mở để phục vụ ăn uống, giải khát nằm ngay sát bờ sông và đập Đá Dựng. Ngoài ra, tại khu vực sân để xe của quán còn có thêm 1 trạm bơm tưới nước thủy lợi nằm trong khuôn viên.

Bình Thuận: Hai bờ sông Dinh bị lấn chiếm làm nhà nghỉ, quán cafe
Trạm bơm nước phục vụ cho thủy lợi bên trong khuôn viên công trình Nhà hàng - Tiệc cưới - café Phố Đá.

Để rộng đường thông tin dư luận về tính pháp lý của hai công trình đang có dấu hiệu lấn chiếm hành lang bờ sông Dinh và đập Đá Dựng, PV đã liên hệ với UBND thị xã La Gi để nắm thông tin hồ sơ pháp lý của các công trình này. Theo hồ sơ PV nhận được thì công trình coffee Đá Dựng nằm trên địa bàn phường Tân An là của ông Tạ Văn Giang, trú tại khu phố 9, phường Tân An, thị xã La Gi. Công trình Nhà hàng – Tiệc cưới – Café Phố Đá nằm trên địa bàn phường Bình Tân, thị xã La Gi. Cả hai công trình trên đều đã bị UBND phường Tân An, UBND thị xã La Gi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả.

 

Bình Thuận: Hai bờ sông Dinh bị lấn chiếm làm nhà nghỉ, quán cafe
Nhà hàng - Tiệc cưới - Cafe Phố Đá tại phường Bình Tân, thị xã La Gi.

Cụ thể, UBND phường Tân An đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình Coffee Đá Dựng do ông Tạ Văn Giang làm chủ đầu tư với hành vi vi phạm hành chính: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp trái phép với diện tích dưới 0,5ha.

Xây dựng 1 căn nhà gỗ có diện tích 108,75m2; 1 Nhà lắp ghép trụ bê tông diện tích 194,4m2; 1 nền nhà, 10 trụ bê tông với diện tích 73,8m2; 1 đoạn tường xây dài 26,7m trên đất trồng cây lâu năm tại khu phố 6 phường Tân An. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH 421853 thửa đất số 299, tờ bản đồ số 11, diện tích: 2684,5m2, đất trồng cây lâu năm. Theo đó, UBND phường Tân An đã xử phạt ông Tạ Văn Giang với mức phạt tiền 1.500.000 đồng. Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Bình Thuận: Hai bờ sông Dinh bị lấn chiếm làm nhà nghỉ, quán cafe
Đập Đá Dựng đẹp lung linh, huyền ảo do ánh đèn từ 2 công trình bên bờ sông Dinh.

Còn tại công trình Nhà hàng – Tiệc cưới – Café Phố Đá thuộc phường Bình Tân, UBND thị xã La Gi cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Súy trú tại khu phố 1, phường Bình Tân, thị xã La Gi về hành vi thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng (xây dựng công trình kinh doanh cà phê và phòng nghỉ) với mức phạt tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng), tự tháo dỡ toàn bộ công trình không có giấy phép xây dựng, xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nằm trong hành lang bảo vệ bờ sông Dinh.

Như vậy, cả hai công trình trên đều có một đặc điểm vi phạm chung nhất là xây dựng công trình khi chưa được cấp phép xây dựng, xây dựng công trình trên đất không đúng với quy hoạch, mục đích sử dụng đất đã được cơ quan chức năng cấp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo Nghị định 91/2019 NĐ-CP tại Khoản 3 Điều 9 thì hành vi Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: 
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta; 
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta; 
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;   
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; 
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta; 
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta; 
g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta; 
h) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 11cũng quy định rõ về hình thức xử phạt đối với hành vi: Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: 
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta; 
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta; 
c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; 
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta; 
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta; 
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta; g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

Về hình thức khắc phục hậu quả của các hành vi nêu trên, Nghị định 91/2109NĐ- CP cũng thể hiện rõ: 
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này; 
b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; 
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.75861 sec| 670.938 kb