Sàm sỡ nơi công cộng - “đồng giá 200 nghìn đồng”
Cách đây không lâu, dư luận được phen xôn xao trước hành vi sàm sỡ, gây rối trật tự của khách tên Vũ Anh Cường - đại gia của một công ty Bất động sản trên chuyến bay của hãng Vietnam Airlines.
Với những hành vi của ông Cường, căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định 162/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã ra quyết định xử phạt kịch khung là 10 triệu đồng.
Đây được xem là hình thức xử phạt cao nhất trong các vụ xử phạt hành vi sàm sỡ với phụ nữ trong 6 tháng đầu năm nay. Trước đó, hàng loạt các vụ việc sàm sỡ nơi công cộng gây bức xúc dư luận sau đó đều "được" xử lý "đồng già 200 nghìn đồng".
Đầu tháng 3/2019, vụ sàm sỡ cưỡng hôn trong thang máy tại một tòa nhà chung cư ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chỉ bị phạt 200.000 đồng đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ bởi cách xử phạt không thỏa đáng này. Theo đó, đối tượng Đỗ Mạnh Hùng khi đi cùng thang máy với một cô gái, Hùng lân la tới gần và ngỏ ý muốn xin số điện thoại, tuy nhiên đã bị từ chối.
Thấy vậy, Hùng đã dồn cô gái vào tường, rồi sau đó làm ra hành động quấy rối như cưỡng hôn và động chạm vào cơ thể của cô gái. Sau khi thoát được khỏi tên "yêu râu xanh" trong thang máy, cô gái đã nhanh chóng trình báo sự việc lên cơ quan chức năng, tuy nhiên lại nhận được tin nhắn đe dọa với nội dung: "Em không nên phơi bày sự việc đó ra, bởi vì chuyện đó cũng chẳng hay ho gì cho em đâu".
Sau khi tiếp nhận vụ việc, cảnh sát quận Thanh Xuân đã yêu cầu đối tượng Hùng nộp phạt hành chính về hành vi quấy rối của mình với mức phạt là 200.000 đồng, đồng thời công khai xin lỗi nạn nhân.
Sau đó, một số báo nước ngoài có đăng tải sự việc, khiến bạn đọc nước ngoài "sốc" và cho rằng, cách xử phạt đó là thiếu tôn trọng phẩm giá của người phụ nữ.
Tháng 5/2019, một người phụ nữ khi di chuyển trên xe buýt tuyến 103A, hướng Mỹ Đức đi bến xe Mỹ Đình thì bị một người đàn ông tên Nguyễn Quang Dương (59 tuổi, trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) đứng bên cạnh dùng tay động vào ngực 3 lần. Vì quá tức giận, người phụ nữ đã dùng tay đấm người đàn ông này. Sau đó, cả 2 được đưa đến Công an phường Phúc La (quận Hà Đông) trình báo sự việc và chuyển lên Công an huyện Thanh Oai thụ lý (vì sự việc xảy ra trên địa bàn huyện Thanh Oai).
Tại cơ quan công an, ông Dương thừa nhận đã thừa nhận sờ vào ngực người phụ nữ 3 lần. Tuy nhiên, Công an huyện Thanh Oai xác định hành vi của ông Dương không cấu thành tội phạm nên đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chỉ xử phạt 200.000 đồng theo khoản 1, điều 5, nghị định 167.
Khi câu chuyện 200.000 vẫn còn đâu đó quanh ta, thì nỗi ám ảnh mỗi lần đi thang máy của những người dân lương thiện là khó tránh khỏi. Mà ám ảnh không chỉ ở thang máy mà cả những nơi công cộng khác. Tất cả “đồng giá 200.000" thì nỗi lo của dân còn đi đến đâu? Pháp luật Việt Nam hiện nay có vẻ đang bất lực trước những hành vi đê tiện đối với thân thể phụ nữ, trẻ em. Và khi pháp luật không đủ mạnh, thì cơ quan áp dụng pháp luật cũng trở nên lúng túng.
Cần thiết việc hình sự hóa đối với hành vi sàm sỡ, dâm ô, quấy rối tình dục
Rất nhiều ý kiến đã tỏ ra bất bình khi nam thanh niên cưỡng hôn cô gái trong thang máy ở Hà Nội hay người đàn ông sàm sỡ người phụ nữ trên xe buýt chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng, và cho rằng, vấn đề nằm ở cách tiếp cận của cơ quan thực thi pháp luật đối với tính chất vụ việc.
Mặc dù hậu quả là rất nặng nề và tổn thương lâu dài cho nạn nhân, nhưng hiện nay, các quy định của pháp luật xử lý đối với hành vi này đang bộc lộ nhiều bất cập, không đủ sức răn đe.
Trao đổi với phóng viên, nhiều luật sư bày tỏ về lỗ hổng lớn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Thể hiện rõ nhất là trong các khái niệm về các hành vi “sàm sỡ”, “dâm ô”, “quấy rối tình dục” của luật pháp Việt Nam chưa rõ ràng, cụ thể nên khó để áp dụng vào thực tế.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm thì cho rằng: Ai cũng nhận thấy rõ mức xử phạt 200.000 đồng đối với hành vi giống như của đối tượng Đỗ Mạnh Hùng trong thang máy là quá thấp. Pháp luật quy định xử phạt những hành vi như đổ rác bừa bãi, tè bậy tới hàng triệu đồng vậy mà hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm chỉ áp dụng xử phạt như vậy là khó chấp nhận.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP ra đời cách đây 6 năm cho tới thời điểm này những quy định này đã bị lạc hậu và không phù hợp với thực tế.
Ở nước ngoài, những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục ở nước ngoài bị xử rất nặng và nêu đích danh từng hành vi cụ thể. Luật pháp cần quy định cụ thể hơn với các hành vi quấy rối tình dục như thế để bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Theo luật sư, việc không phù hợp và không thỏa đáng này bắt nguồn từ quy định pháp luật không phù hợp, không tương xứng. Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Trong khi danh dự, nhân phẩm của con người là vấn đề hết sức quan trọng gắn liền với bản thân người đó.
Đồng quan điểm về việc cần thiết phải chỉnh sửa Nghị định 167, Luật sư Phạm Thị Huyền - Giám đốc công ty Luật TNHH Phạm Vũ (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi quấy rối tình dục 100.000 - 300.000 đồng đã lạc hậu và thiếu tính răn đe.
"Nghị định 167/2013/NĐ-CP ra đời cách đây 6 năm, cho tới thời điểm hiện tại, những quy định này đã bị lạc hậu và không phù hợp với thực tế. Ở nước ngoài, những hành vi như sàm sỡ, quấy rối tình dục ở nước ngoài bị xử rất nặng và nêu đích danh từng hành vi cụ thể. Dù pháp luật Việt Nam chưa quy định hành vi sàm sỡ thành tội danh quấy rối tình dục, nhưng chắc chắn đây là hành vi bị dư luận lên án một cách gay gắt.
Vụ việc “người đàn ông có hành vi sàm sỡ trong thang máy tại địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội)” hay vụ án ông Nguyễn Hữu Linh bị truy tố về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” là những ví dụ điển hình cho thấy sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận đối với hành vi sàm sỡ, quấy rối người khác trong thời gian gần đây", luật sư Huyền nói.
Tuy nhiên, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc xử phạt đối với những hành vi như Đỗ Mạnh Hùng đã bộc lộ rõ sự yếu kém trong vấn đề xây dựng các văn bản dưới luật. Điều này được thể hiện ở việc, hiện nay, nhiều văn bản pháp luật còn hiệu lực pháp lý nhưng đã lạc hậu, bất hợp lý khi áp dụng trong thực tế.
“Đã tới lúc các cơ quan lập pháp phải nhanh chóng và nghiêm túc vào cuộc để “luật hóa” những hành vi trêu ghẹo, sàm sỡ trở thành tội phạm nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những tệ nạn tương tự diễn ra trong xã hội, chứ không đơn thuần chỉ áp dụng chế tài xử phạt hành chính vốn đã không còn mang tính răn đe.
Đồng thời, khi các cơ quan tư pháp muốn xử lý những vụ án, muốn đưa ra để xác minh, điều tra, xử lý lại không đủ căn cứ để định tội, theo đó, việc “luật hóa” cũng giúp cho các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng một cách thống nhất.
Bên cạnh đó, việc hình sự hóa đối với hành vi sàm sỡ, dâm ô, quấy rối tình dục là điều cần thiết và nên thực thi, để những hành vi phóng túng sớm không còn xuất hiện tại những chốn công cộng”, Luật sư Cường bày tỏ.