Theo Luật Đấu thầu hiện tại, có những khoản mua sắm trên 500.000 đồng cũng phải tổ chức đấu giá, đấu thầu. Nhà nước ban hành những quy định khá chặt chẽ về chi tiêu công, trong đó đáng chú ý là quy định về đấu thầu trong mua sắm công. Tuy nhiên, tham nhũng và thất thoát trong mua sắm công vẫn khá phổ biến ở Việt Nam.
Theo Bộ Quốc phòng, hiện nay vẫn còn tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức, lựa chọn nhà thầu như: Chia gói thầu để áp dụng hình thức kém cạnh tranh, gộp nhiều gói thầu khác nhau thành các gói thầu quy mô lớn nhằm hạn chế nhà thầu tham dự thầu; có biểu hiện can thiệp, tác động đến kết quả lựa chọn nhà thầu...
Chỉ thị cũng chỉ ra một số hiện tượng như cản trở việc mua hồ sơ mời thầu (HSMT) của nhà thầu, quá trình đánh giá HSMT còn mang tính chủ quan, không minh bạch...
Chỉ thị của Bộ Quốc phòng cũng nghiêm cấm những người đứng đầu cơ quan, đơn vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Một số hình thức tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực mua sắm công là đưa ra những nhu cầu giả, thổi phồng số lượng sản phẩm cần thiết, mời thầu quy mô nhỏ và thiếu công khai, không xác định rõ ràng sản phẩm cần mua...
Một số dấu hiệu để nhận biết hành vi tham nhũng như cơ quan, tổ chức mua sắm thiếu quy trình và kế hoạch chi tiết, những điều chỉnh tăng giảm ngân sách bất thường và không rõ nguyên nhân, thiếu hệ thống tiêu chuẩn cụ thể, có sự can thiệp từ các cá nhân, tổ chức nhà nước không liên quan vào quy trình đấu thầu, mối quan hệ mập mờ và thiếu độc lập của các hồ sơ mời thầu, số lượng và giá của sản phẩm khác với thị trường...
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi do VCCI phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây tại Hà Nội, LS Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch VIAC cho biết: “Thời gian qua, mặc dù đã có Luật Đấu thầu nhưng 75% các gói thầu còn chỉ định thầu, chiếm đến 45% tổng vốn đầu tư. Việc chỉ định thầu tràn lan đang là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, lãng phí…”.
Chính vì chỉ định thầu tràn lan mà dẫn đến hiện tượng “đi đêm", không chọn được nhà thầu có năng lực, làm cho việc triển khai dự án kém hiệu quả. Điều này không chỉ làm lãng phí, thậm chí thất thoát ngân sách nhà nước, mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động của những doanh nghiệp là nhà thầu chân chính, có năng lực thực sự.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp báo mới đây, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 39.000 thông báo mời thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, với tổng giá trị gói thầu là 260.000 tỷ đồng. Trong đó, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng là 11.000 gói thầu (chiếm tỷ lệ 28%) với tổng giá trị gói thầu là 26.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 10%). Tỷ lệ về số lượng và giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn cả năm 2018 (18% và 4% tương ứng) nhưng còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết số 01 (50% và 15% tương ứng).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá tỷ lệ đấu thầu không đạt chỉ tiêu theo lộ trình quy định, việc áp dụng đấu thầu qua mạng nhìn chung còn rất chậm, còn nhiều đơn vị trên cả nước không đảm bảo yêu cầu theo quy định (Tập đoàn, tổng công ty nhà nước: số lượng 46,4% và giá trị 13,9%; Bộ, ngành: 21,3% số lượng và 2% giá trị; địa phương: 18% số lượng và 4% giá trị).
Bên cạnh đó, tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của đấu thầu qua mạng chưa được khai thác tối đa. Cụ thể, số liệu cho thấy chỉ có khoảng 4,6% số lượng nhà thầu đã đăng ký trên Hệ thống tham gia đấu thầu qua mạng, số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu là 2,5; đặc biệt có khoảng 36% tổng số các gói thầu (chủ yếu là lĩnh vực xây lắp) chỉ có 1 nhà thầu tham gia. Đây là biểu hiện của việc lách luật, vi phạm quy định về cạnh tranh, công bằng, đồng thời lật tẩy tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu truyền thống.
Theo Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhằm tăng cường công tác quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019-2025.