Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Long Biên-Hà Nội: Vì sao người dân phản bác trả lời của Sở TNMT?

Long Biên-Hà Nội: Vì sao người dân phản bác trả lời của Sở TNMT?
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã có văn bản trả lời người dân về việc áp dụng pháp luật trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng nhiều người dân không đồng tình. Người dân cho rằng, các cơ quan chức năng đã áp dụng chưa đầy đủ chính sách pháp luật về đất đai trong từng giai đoạn.

Như PhapluatNet đã thông tin trong bài viết “Long Biên-Hà Nội: Dân kêu cứu tại dự án Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân”, những năm qua, nhiều người dân ở phường Bồ Đề đã gửi đơn thư lên các cấp chính quyền đề nghị xem xét lại việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án này.

Theo Quyết định số 1114/QĐ-UBND ngày 17/4/2012, Chủ tịch UBND quận Long Biên đã ban Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án: Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân tại ô đất có kí hiệu C2-2/THPT1 thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên. Mục tiêu của dự án là xây dựng trường THPT chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp giáo dục của địa phương và khu vực. Tổng mức đầu tư dự án là 235.303 triệu đồng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần tập đoàn SSG.

Long Biên-Hà Nội: Vì sao người dân phản bác trả lời của Sở TNMT?
Một cơ sở của trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring tại phường Ái Mộ, quận Long Biên.

Tuy nhiên, từ thời điểm được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đến nay đã hơn 7 năm, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều người dân không đồng tình việc nhà nước thu hồi đất và đền bù với “giá bèo”. Họ cho rằng, đây là một dự án đầu tư với mục đích kinh doanh có lợi nhuận nên chủ đầu tư phải đứng ra thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Anh Nguyễn Đức Thọ (38 tuổi, nhà ở số 349 đường Lâm Du, phường Bồ Đề), cho biết, sau khi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực đất đai, anh đã đại diện cho hàng trăm hộ dân gửi đơn lên Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đề nghị làm rõ, dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất hay chủ đầu tư phải đứng ra nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngày 30/5/2017, Sở TNMT Hà Nội đã có văn bản số 4159/STNMT-CCQLĐĐ trả lời anh Nguyễn Đức Thọ cũng như các hộ dân ở phường Bồ Đề.  Sở TNMT căn cứ vào Khoản 3, Điều 2, Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 điều chỉnh, bổ sung Khoản 2, Điều 36, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 (quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế): “Sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công cộng bao gồm các công trình giao thông, điện lực, thuỷ lợi, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc, đường ống dẫn xăng dầu, đường ống dẫn khí, giáo dục, đào tạo, văn hoá, khoa học kỹ thuật, y tế, thể dục, thể thao, chợ” và kết luận, dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2003.

Long Biên-Hà Nội: Vì sao người dân phản bác trả lời của Sở TNMT?
Dự án hiện tại sau 7 năm mới chỉ có tấm biển này.

Sở TNMT cũng cho biết, dự án này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo Điều 62, Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, chiếu theo quy định tại Khoản 60, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ thì “Đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013 mà đã lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất để trình Hội đồng nhân dân thông qua trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.

Trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với trường hợp quy định tại khoản này thực hiện theo quy định tại Điều 69 của Luật đất đai 2013”. Căn cứ vào các Nghị định nêu trên, Sở TNMT Hà Nội kết luận, Dự án Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân tại phường Bồ Đề, quận Long Biên thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản số 521/TCQLĐĐ-CSPC ngày 30/3/2017 gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn SSG về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật đất đai khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân. Văn bản 521 của Tổng cục Quản lý đất đai áp dụng Khoản 60, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP để trả lời Công ty Cổ phấn Tập đoàn SSG. Căn cứ Nghị định nêu trên, Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn SSG UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan tổng hợp vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để triển khai thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Được biết, sau khi nhận được các văn bản nêu trên, anh Nguyễn Đức Thọ cũng như hàng chục hộ dân có đất bị thu hồi tiếp tục gửi kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị làm rõ vì có nhiều điểm chưa sáng tỏ.

Long Biên-Hà Nội: Vì sao người dân phản bác trả lời của Sở TNMT?
Những luống rau này là nguồn thu nhập chính của một số hộ dân nơi đây.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều – Giám đốc Công ty luật TNHH Bắc Nam - Đoàn TP Hà Nội cho rằng, đối với dự án này, Sở TNMT TP Hà Nội căn cứ vào Điểm e, Khoản 3, Điều 2, Nghị định 17/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2004/NĐ-CP để khẳng định rằng đây là trường hợp: “Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế” là không đúng bản chất sự việc, không đúng pháp luật.

Bởi, theo quy định tại Khoản 1, Điều 40, Luật Đất đai năm 2003 về việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế quy định như sau: “Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ”.
Luật Đất đai năm 2003 quy định như trên thì chỉ những dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ mới thuộc trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế và thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Tại Điểm e, Khoản 3, Điều 2, Nghị định 17/2006/NĐ-CP quy định: “e) Sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công cộng bao gồm các công trình giao thông, điện lực, thuỷ lợi, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc, đường ống dẫn xăng dầu, đường ống dẫn khí, giáo dục, đào tạo, văn hoá, khoa học kỹ thuật, y tế, thể dục, thể thao, chợ.”

Như vậy, dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất chỉ khi công trình đó “phục vụ lợi ích công cộng”. Dự án này, xây trường học tư thục, kinh doanh về giáo dục, không phục vụ lợi ích công cộng của đa số dân cư trên địa bàn.

Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật, chỉ những dự án giáo dục đáp ứng những điều kiện sau đây mới thuộc trường hợp sử dụng đất phát triển kinh tế:

1. Dự án giáo dục này phải là dự án lớn theo quy định của Chính phủ (theo quy định tại khoản 1 điều 40 Luật Đất đai năm 2003); 2. Dự án giáo dục này phải là dự án phục vụ mục đích công cộng. Nếu dự án này không đáp ứng được hai điều kiện ở trên thì không phải là dự án vì mục đích phát triển kinh tế theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.

“Theo thông báo học phí năm học 2019-2020 trên trang web của hệ thống trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring (thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục SSG), mức học phí hàng năm cho mỗi học sinh vào đây học từ lớp 1 đến lớp 12 là từ 142,52 triệu đồng đến 197,67 triệu đồng. Nhìn vào bảng giá học phí, ai cũng có thể nhìn nhận, là con em nghèo ở quận Long Biên khó có thể đủ điều kiện theo học được. Và với mức học phí như thế này, thì đây có được xem là dự án phục vụ công cộng hay không?” Anh Thọ đặt dấu hỏi.

PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin. 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.43704 sec| 666.359 kb