Năm nay, ngay từ mùng 2 Tết giá cả các loại rau xanh nói riêng và thực phẩm nói chung đã có diễn biến tăng nhẹ, 20-30%.
Hôm nay mùng 5 Tết, ghi nhận tại các chợ truyền thống, giá mặt hàng thực phẩm tươi sống cao hơn so với ngày thường từ 20.000 - 50.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt gà giá 75.000 - 150.000 đồng/kg, thịt bò 200.000 - 350.000 đồng/kg, thịt lợn nạc giá từ 90.000 - 150.000 đồng/kg.
Mặt hàng rau xanh cũng tăng giá gấp 2 lần so với ngày thường, cụ thể cà chua từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg; nấm rơm từ 10.000 đồng/100 gr lên 20.000 đồng/100gr; rau thơm các loại có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, khoai tây có giá 90.000 -120.00 đồng/kg…
Không riêng gì mặt hàng rau xanh, do ăn nhiều thịt trong mấy ngày Tết, nên hôm nay, các mặt hàng hải sản tươi sống được người dân chọn mua nhiều. Các loại sò huyết, nghêu, ốc hương, tôm càng xanh, tôm sú, hải sâm cá nục, cá thu, cua biển... đều tăng giá gấp 3 lần nhưng vẫn trong tình trạng cháy hàng.
Chị Lê Mai (ngụ tại quận 9, TP.HCM) cho biết, trước Tết giá nghêu chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại thì nay tăng lên 60.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại, mực ống tăng từ 200.000 - 240.000 đồng/kg lên 400.000 - 500.000 đồng/kg, cá nục tăng từ 55.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg….
Theo lý giải của các tiểu thương tại chợ truyền thống, ngày mùng 5 Tết, người dân vẫn còn đang trong kì nghỉ Tết, các đầu mối hải sản chưa cung cấp hàng. Những mặt hàng hải sản hiện bán là được các tiểu thương mua về dự trữ trong kho lạnh từ trước Tết. Do phải tốn thêm phí thuê lưu kho lạnh nên giá cao tăng, khi các thương lái cung cấp hàng trở lại thì giá sẽ trở về như cũ.
Theo khảo sát ở một số chợ trên địa bàn TP Vinh, giá cả các loại rau tăng cao so với những ngày trước Tết. Cụ thể: Cà rốt 15.000 - 17.000 đồng/kg, su hào 17.000 - 20.000 đồng/kg, khoai tây 16.000 - 18.000 đồng/kg, đậu cô ve 20.000 - 25.000 đồng/kg… (tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với ngày thường).
Thậm chí, có nhiều loại rau giá tăng gấp đôi như rau cải cúc 6.000 đồng/bó (ngày thường 2.000 - 3000 đồng/bó), rau cần 20.000 - 25.000 đồng/bó (ngày thường 10.000 - 12.000 đồng/bó); súp lơ 16.000 đồng/cái (ngày thường 8.000 - 10.000 đồng/cái).
Đặc biệt với quan niệm ăn lươn đầu năm để “trơn bọt lọt lành”, rất nhiều người dân mua lươn về chế biến các món ăn nên giá cả cao gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường, dao động từ 270.000 - 300.000 đồng/kg (bình thường chỉ khoảng 150.000 - 170.000 đồng/kg).
Chị Trịnh Thị Thuận, một tiểu thương ở Nghệ An cho biết: "Sau Tết, nhiều gia đình tổ chức tiệc yến lão, đám cưới, đám vui, họp lớp, gặp mặt đầu Xuân.
Đầu năm, người bán ít, nông dân chưa thu hoạch rau, cá, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa hoạt động trở lại nên nguồn hàng khan hiếm hơn, giá mua sỉ vì thế đắt hơn; thứ ba, những ngày sau Tết, khi đã chán với bánh chưng, thịt kho, hàng đông lạnh thì nhu cầu về các loại thực phẩm tươi sống tăng cao, do đó giá cả cũng đội lên”.
Ghi nhận tại TP.HCM, mùng 4 và mùng 5 Tết, các hệ thống siêu thị Co.opMart, Satrafoods, Big C, Vinmart; các cửa hàng tiện ích K+, Vinmart… đã hoạt động trở lại bình thường. Hầu hết các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thực phẩm tươi sống, rau xanh, thủy hải sản, trái cây… nguồn cung khá dồi dào, nhưng lượng người mua còn rất vắng.
Dự kiến 2-3 ngày tới, sức mua mới tăng trở lại do người dân trở về Thành phố học tập, làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Đình Văn (Tổng Hợp)