Theo phản ánh của người dân các xã Điền Xá và xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong nhiều tháng qua, họ phải chứng kiến những chiếc tàu hút cát khai thác cả ngày lẫn đêm đục khoét lòng sông Hồng. Những con tàu lớn nhỏ xếp hàng thả vòi xuống dòng sông để hút cát khiến một khúc sông vốn trong sạch trở nên đục ngầu. Không những vậy, tiếng máy nổ ầm ầm cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống của người dân chưa bao giờ được bình yên.
Những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10/2019, chúng tôi đã có mặt tại khu vực bờ sông thuộc địa phận xã Điền Xá và xã Nam Thắng huyện Nam Trực để “mục sở thị”. Cả 2 bên tả, hữu sông Hồng xuất hiện nhiều tàu lạ đang neo đậu giữa lòng sông, dọc theo địa phận xã Điền Xá và xã Nam Thắng. Hàng chục tàu hút, tàu cuốc hoạt động giữa ban ngày, từ xa tiếng máy nổ ầm ầm rung chuyển cả một khúc sông của 4-5 chiếc tàu cuốc và nhiều con tàu tự hành hút cát đang hoạt động hết công suất.
Đặc biệt bên bờ hữu sông Hồng, nhiểu tàu cát đang hút và đẩy trực tiếp cát từ tàu thông qua đường ống bằng sắt hoặc nhựa chạy ngang qua mặt đê và bơm thẳng vào các công trình đang xây dựng, vào vườn cây hoặc vào bãi tập kết vật liệu xây dựng. Các đường ống này chạy nổi trên mặt đê, nhô cao tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông trên đê.
Bà N, một người dân địa phương tại đây cho biết: “Ở khu vực này có nhà ông Đ (chủ 1 doanh nghiệp tại địa phương) là hay làm về cát, hút cát từ sông lên và bán cho người dân có nhu cầu. Đa số người dân mua cát về san lấp làm vườn vì nơi này là làng nghề làm cây cảnh. Nhà nào mua cát thì sẽ có thuyền hút trực tiếp và bơm vào vườn luôn. Các tàu này hút cát cả ngày cả đêm, ngay sát bãi bồi nên có nguy cơ sạt lở hết bãi. Tiếng máy nổ ầm ầm cả ngày lẫn đêm, chúng tôi canh tác ở đây hàng ngày đều nhức buốt đầu óc vì tiếng ồn”.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi có liên hệ làm việc với UBND xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Tại đây ông Trần Xuân Bút – bí thư UBND xã Điền Xá chia sẻ: “Đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn này giáp ranh bởi 2 tỉnh. Một nửa sông thuộc địa phận huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định và một nửa sông thuộc địa phận tỉnh Thái Bình. Thế nên việc quản lý về mặt khai thác cát theo địa giới hành chính gặp nhiều khó khăn bởi bên bờ sông thuộc địa phận Thái Bình được cấp phép mỏ khai thác cát”.
“Về nhu cầu sử dụng cát tại địa phương là có, thậm chí là nhu cầu lớn bởi đa số người dân ở đây làm nghề trông cây cảnh, họ dùng cát để san lấp và trồng cây. Cũng có những đối tượng hút cát trực tiếp từ lòng sông lên bờ thông qua đường ống chạy ngang mặt đê. Tuy nhiên, việc nhập nhèm ranh giới giữa 2 tỉnh nên cũng gây khó khăn cho chính quyền trong việc phát hiện các đơn vị khai thác cát trái phép. Đồng thời UBND xã cũng không có đủ thầm quyền xử lý nếu có phát hiện ra các trường hợp khai thác cát trái phép đó” – ông Bút chia sẻ thêm.
PV cũng đã trao đổi với ông Hoàng Thọ Hải – Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông tỉnh Nam Định, ông Hải khẳng định: “Trên khu vực sông Hồng có 7 điểm mỏ khai thác cát được cấp phép nhưng thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình. Hiện nay, Phòng cảnh sát giao thông tỉnh Nam Định nói chung và đặc biệt là giao thông đường thuỷ nói riêng, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ. Không thể khẳng định không có việc khai thác cát trái phép nhưng việc này diễn ra rất ít, và khi phát hiện chúng tôi cương quyết xử lý một cách nghiêm túc”.
Vừa qua, trong cuộc họp về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát tại các địa phương ngày 3/4/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: “Thời gian qua, công tác quản lý khai thác cát sỏi đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay tình hình khai thác trái phép cát sỏi trên các tuyến sông và cửa biển ở nhiều địa phương tái diễn trở lại, đối tượng khai thác trái phép hoạt động tinh vi, lộng hành vì lợi nhuận cao, các quy định của pháp luật chưa đủ răn đe, chế tài còn nhẹ, nên đối tượng khai thác cát trái phép chấp nhận bị xử lý hành chính.”
Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, địa phương thời gian tới. Đó là, các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao trách nhiệm và nhận thức của các cấp chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn khai thác cát trái phép. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các bộ ngành, địa phương và đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Lĩnh vực nào để xảy ra khai thác cát trái phép hoặc để tình trạng lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng lạch để khai thác cát sỏi cũng như lập các bến bãi tập kết cát sỏi trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng thì phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.