Hằng năm, cứ tới ngày 5/5 Âm lịch, người dân Việt Nam lại ăn Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương.
Tết Đoan Ngọ là một ngày Tết truyền thống dựa trên văn hóa tín ngưỡng dân gian phương Đông, nhằm đánh dấu một giai đoạn mở đầu cho những điều tốt đẹp, cầu cho mùa màng bội thu, sinh nhai thuận lợi.
Ngoài Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan Ngọ. Mỗi quốc gia lại có các tục lệ và nghi thức đón Tết Đoan ngọ khác nhau.
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được dân gian gọi bằng cái tên dân dã là Tết giết sâu bọ, tức chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam bắt nguồn từ một truyền thuyết. Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân đang vui vẻ ăn mừng vì trúng mùa thì sâu bọ kéo đến ăn sạch hoa màu, thực phẩm đã thu hoạch. Trong lúc nông dân đang đau đầu không biết phải giải quyết ra sao, một ông lại bỗng từ xa đi tới, tự xưng là Đôi Truân.
Ông lão sau đó đã chỉ cho người dân mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm bánh tro, trái cây, rồi ra trước nhà mình vận động, tập thể dục. Người dân nhanh chóng làm theo. Chỉ một lát sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi.
Ông lão bảo thêm: "Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này, cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng".
Người dân biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, người dân đặt cho ngày này là ngày Tết diệt sâu bọ, có người gọi là Tết Đoan ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ (từ 11h -13h).
Ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ
Tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được “Việt hóa” thành ngày Tết diệt sâu bọ và thời cúng tổ tiên. Ngoài ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng, người Việt Nam còn cho rằng Tết Đoan ngọ là dịp để giải trừ bệnh tật trong thời điểm giao mùa. Vào Tết Đoan Ngọ, dân gian thường có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.
Theo quan niệm của người xưa, bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại. Tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng có thể diệt được các loại ký sinh này. Chỉ vào ngày 5/5 âm lịch, các loại ký sinh gây hại đó mới ngoi lên. Đây là thời cơ để con người ăn những món có vị chua, chát nhằm loại bỏ chúng.
Hiện, ở một số làng quê Việt Nam, người dân vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng Tết Đoan Ngọ. Sau Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ có lẽ là cái Tết sum họp đầm ấm nhất, có nhiều tục lệ gắn liền với đời sống của người dân. Do đó, mọi người dù đi làm ăn xa tận đâu cũng sẽ cố gắng thu xếp để về đoàn tụ bên gia đình.
Vào thời điểm 5/5 âm lịch, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu. Vì thế, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Tùy theo phong tục tập quán từng vùng miền, địa phương, người dân sẽ chuẩn bị thêm những món ăn và sản vật khác dâng cúng ông bà, tổ tiên vào dịp Tết Đoan Ngọ. Các lễ vật chính gồm hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.
Xem thêm: lịch âm 2021
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Bắc thường có quả dưa hấu đỏ trong khi mâm cúng của người dân miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên Huế không thể thiếu chè kê và thịt vịt.
Từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, một số gia đình nấu xôi chè cúng lễ, nếu nhà có trông cây thì cho trẻ nhỏ vào vườn hái quả ăn. Mâm cúng của người miền Nam không thể thiếu các món như bánh ú tro, chè trôi nước, xôi gấc…
Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, ăn những quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ sâu bọ, xua đuổi hết bệnh tật.
Một số các hoạt động của người dân trong dịp Tết Đoan Ngọ:
- Người dân ăn ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người vào sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ, trong đó rượu nếp thường được ăn ngay sau khi ngủ dậy.
- Vào giờ Ngọ (12h), người dân tại các vùng quê rủ nhau đi hái lá mang vế nấu nước xông nhằm làm sạch cơ thể và giải cảm.
- Người thành phố đi mua lá thuốc, đem phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.