Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Nguyên nhân TP.HCM chưa cho F0 đi làm trực tiếp

Nguyên nhân TP.HCM chưa cho F0 đi làm trực tiếp
Nguyên TP.HCM chỉ cho F1 đi làm, đi học trực tiếp mà chưa cho phép F0 đi làm là do số tử vong đang giảm nhưng ca nặng thực sự chưa giảm bền vững.

Báo Lao động đưa tin, chiều 24/3, tại buổi họp báo định kỳ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã lý giải vì sao thành phố chỉ cho F1 đi làm, đi học trực tiếp mà chưa cho phép F0 đi làm như một số tỉnh, thành đã thực hiện.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay, việc tham mưu phương án ứng phó với dịch COVID-19 do Sở Y tế thực hiện, tuy nhiên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng.

Nguyên nhân TP.HCM chưa cho F0 đi làm trực tiếp
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ Online

Sau khi đánh giá tình hình số ca mắc COVID-19 mới, số ca nặng, ca tử vong, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP.HCM cho phép F1 đi làm với điều kiện có thể kiểm soát để chống lây lan dịch ra cộng đồng. 

Tuy nhiên, hiện các F0 vẫn là người bệnh và cần điều trị tại nhà hoặc bệnh viện. Qua theo dõi,các ca bệnh vào bệnh viện cũng như ca chuyển biến nặng, tại TP.HCM dù số tử vong đang giảm nhưng ca nặng thực sự chưa giảm bền vững.

"Số ca nặng chưa giảm bền vững mà lên xuống liên tục. Nếu số ca mắc COVID-19 tăng lại, chắc chắn ca nặng, ca tử vong sẽ tăng. Đó là của thành phố rút ra từ các đợt dịch trước đây" - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai lý giải.

Theo Tri thức trực tuyến, trước câu hỏi TP.HCM đã coi COVID-19 là bệnh thông thường hay chưa, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai dẫn lại đánh giá của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng rằng dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh lưu hành.

Bộ Y tế đã thảo luận với các chuyên gia trong nước, CDC Mỹ, và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đánh giá tỷ lệ mắc COVID-19 tại Việt Nam chưa ổn định, có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ mắc vẫn cao và nhiều tỉnh, thành có số ca nhiễm tăng mạnh. Tỷ lệ tử vong trong ngày vẫn cao so với các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện biến thể mới và các biến thể phụ. Ví dụ, biến thể Omicron có các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 có khả năng né miễn dịch, gây tái nhiễm nên rất khó xác định tỷ lệ mắc.

Do đó, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi COVID-19 là bệnh lưu hành và tiếp tục phối hợp với WHO và các quốc gia khác để theo dõi thêm.

VOV thông tin, theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, hiện TP.HCM đang điều trị 4.274 bệnh nhân COVID-19. Trong đó có 275 trẻ em dưới 16 tuổi, 84 bệnh nhân nặng đang thở máy, 5 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 23/3 có 566 bệnh nhân nhập viện, 697 bệnh nhân xuất viện và 2 trường hợp tử vong trong ngày./.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.46875 sec| 634.945 kb